Thấy gì từ lần ra tòa thứ 3 của ông Trump?
(Dân trí) - Lần ra tòa thứ 3 của cựu Tổng thống Mỹ thứ 45 không còn mới mẻ như 2 lần trước nhưng có mức độ nghiêm trọng hơn do 4 cáo buộc mới mà ông phải đối mặt.
Trở lại Washington D.C. vào hôm 3/8, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng thẳng, giơ tay phải tuyên thệ. Nhưng lần tuyên thệ này không phải nhậm chức mà là để ông Trump hứa hẹn sẽ tuân thủ thỏa thuận cho phép rời tòa án mà không cần đặt cọc phí tại ngoại hay ký cam kết hạn chế đi lại.
Đây là lần thứ 3 trong 4 tháng ông Trump phải xuất hiện tại tòa để đối diện cáo buộc hình sự. Hồi tháng 6, ông bị truy tố ở Miami vì cáo buộc xử lý sai tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng và cản trở điều tra viên. Hai tháng trước đó, ông có mặt ở Manhattan, New York để đối diện cáo buộc lên kế hoạch trả tiền bịt miệng một sao khiêu dâm.
Báo New York Times nhận định, do ông Trump từng ra tòa nên lần trình diện thứ 3 không gây kỳ lạ. Nhưng mức độ nghiêm trọng của 4 cáo buộc mới khiến buổi làm việc hôm 3/8 có được sức nặng lớn hơn 2 lần trước.
Sau đây là một số điểm đáng lưu ý sau lần ông Trump xuất hiện trước tòa ngày 3/8.
Ông Trump không bị cấm tranh cử nhưng bị giới hạn liên lạc
Việc ông Trump tuyên bố mình không có tội không phải điều ngạc nhiên. Cũng như vụ án ở Miami, công tố viên không yêu cầu bị can phải đặt tiền hay chịu hạn chế đi lại để được tại ngoại. Họ cũng không buộc ông Trump phải giao nộp hộ chiếu.
Đổi lại, ông Trump đồng ý không thảo luận vụ án với bất cứ ai mà ông biết là nhân chứng, trừ khi thông qua luật sư hoặc với sự chứng kiến của luật sư. Yêu cầu này cũng được đưa ra trong vụ án ở Miami.
Cựu Tổng thống Mỹ còn cam kết trình diện tại tòa khi được triệu tập và không vi phạm pháp luật trong thời gian tại ngoại. Nếu bị can không tuân thủ, tòa án có thể phát lệnh bắt giữ và hủy thỏa thuận tại ngoại, từ đó mở ra khả năng ông Trump bị tạm giam cho tới ngày xét xử và bị buộc thêm tội khinh miệt tòa án.
Bà Moxila Upadhyaya, thẩm phán phụ trách vụ án gần nhất của ông Trump, lưu ý rằng ông Trump không được trả đũa nhân chứng hay cản trở thủ tục tố tụng.
Phía bị can được cho là sẽ trì hoãn tối đa
Công tố viên đặc biệt Jack Smith - người công bố bản cáo trạng mới nhất với ông Trump - từng bày tỏ mong muốn có một "phiên tòa nhanh chóng" và dường như thẩm phán sơ thẩm cũng nhất trí.
Trong các vụ việc trước đây của ông Trump, buổi làm việc tiếp theo thường diễn ra vào nhiều tháng sau. Nhưng với cáo buộc lần này, buổi làm việc đầu tiên sẽ diễn ra ngay trong tháng.
Hôm 3/8, thẩm phán Upadhyaya đã đưa ra 3 thời điểm dự kiến cho buổi làm việc sau: Ngày 21/8, 22/8 hoặc 28/8. Trong khi công tố viên đề nghị thời điểm sớm nhất, luật sư của ông Trump chọn ngày làm việc muộn nhất.
"Tất cả những gì chúng tôi yêu cầu là cơ hội để bảo vệ thân chủ một cách công bằng", luật sư John Lauro nói. "Nhưng để làm được điều đó, chúng tôi sẽ cần một ít thời gian".
Cuối cùng, thẩm phán ấn định phiên làm việc tiếp theo vào ngày 28/8, 5 ngày sau buổi tranh luận đầu tiên của đảng Cộng hòa để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Ông Trump chưa nói mình có định tham gia buổi tranh luận hay không.
Thẩm phán Upadhyaya cũng yêu cầu công tố viên tuần sau phải nộp đơn đề xuất ngày xét xử kèm thời lượng ước tính của phiên tòa. Bảy ngày sau đó sẽ tới lượt luật sư của ông Trump nộp đơn phản hồi.
Một điều không tránh khỏi là thời điểm diễn ra phiên xét xử sẽ vướng phải các diễn biến trên chính trường. Nguyên nhân là ông Trump phải có mặt trong nhiều phiên tòa khác nhau, trong khi các ứng viên tổng thống khác của đảng Cộng hòa có thể tập trung chuẩn bị cho những buổi tranh luận hay vận động tại bang quan trọng.
Vẫn không có hình ảnh của ông Trump tại tòa
Ông Trump ra vào tòa án qua một lối đi mà công chúng không thể tiếp cận. Cả chiều đi và về, đoàn xe chở cựu Tổng thống không hề dừng lại khi đi qua trước mặt nhóm người ủng hộ khá đông.
Diễn biến bên trong phòng làm việc của tòa không được ghi hình hoặc chụp ảnh, trừ bức ảnh do họa sĩ của tòa vẽ tay. Tòa án không cho phép phóng viên ảnh vào trong và ông Trump cũng không bị chụp ảnh "mugshot" - ảnh chụp chân dung nghi phạm để lưu hồ sơ.
Chỉ số ít phóng viên xuất hiện trong phòng xử án để quan sát. Những phóng viên khác có thể xem diễn biến từ một căn phòng gần đó, nhưng băng ghi hình không được công khai.
Cách làm nói trên tương tự quy trình vụ truy tố ở Miami hồi tháng 6. Sau buổi làm việc ở Miami, ông Trump đã dừng lại ở một nhà hàng đồ Cuba nổi tiếng để vận động tranh cử.
Chưa rõ tác động tới chiến dịch tranh cử năm 2024
Hiến pháp Mỹ không cấm người bị kết án ra tranh cử tổng thống. Dù vậy, vẫn có khả năng tu chính án thứ 14 trong hiến pháp Mỹ sẽ ngáng đường ông Trump vì điều khoản này quy định một người không thể nhậm chức nếu từng tuyên thệ bảo vệ nước Mỹ nhưng sau đó tham gia vào hoạt động "nổi dậy hoặc nổi loạn".
Sau 2 lần bị truy tố trước đó, ông Trump vẫn duy trì được sự ủng hộ của các cử tri đảng Cộng hòa.
Đầu tuần này, cuộc thăm dò đầu tiên của New York Times/Siena College trong mùa tranh cử tổng thống năm 2024 cho thấy ông Trump dẫn trước 37 điểm % so với Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, đối thủ gần nhất của ông trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa.
Những rắc rối pháp lý khác của ông Trump cũng thường đi kèm sự gia tăng đột biến trong hoạt động gây quỹ. Hôm 3/8, vài giờ trước khi xuất hiện tại tòa, ông Trump đã đăng trên mạng xã hội Truth Social rằng: "Tôi cần thêm một bản cáo trạng nữa để đảm bảo mình thắng cử!".