1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Trump chọn đặc phái viên về Ukraine ủng hộ đóng băng xung đột

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn tướng Keith Kellogg làm đặc phái viên về vấn đề Nga - Ukraine. Ông là "đồng tác giả" của ý tưởng đóng băng xung đột ở Ukraine.

Ông Trump chọn đặc phái viên về Ukraine ủng hộ đóng băng xung đột - 1

Trung tướng Keith Kellogg (Ảnh: AFP).

"Ông Keith đã lãnh đạo một sự nghiệp quân sự và kinh doanh nổi bật, bao gồm cả việc đảm nhiệm các vai trò an ninh quốc gia rất nhạy cảm trong chính quyền đầu tiên của tôi. Ông ấy đã sát cánh cùng tôi ngay từ đầu! Cùng nhau, chúng ta sẽ bảo đảm hòa bình thông qua sức mạnh, và làm cho nước Mỹ cũng như thế giới an toàn trở lại", Tổng thống đắc cử Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth ngày 27/11.

Hiện không rõ việc lựa chọn ông Kellogg có cần Thượng viện phê chuẩn hay không. Kể từ năm 2023, các đặc phái viên có khả năng phải trải qua quá trình phê chuẩn của Thượng viện. Tuy nhiên, kể cả cần phải phê chuẩn, ông Kellogg được cho là sẽ không vấp phải trở ngại đáng kể nào.

Như vậy, ông Kellogg, một trung tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu 80 tuổi, sẽ đảm nhiệm vai trò đặc phái viên này khi xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ 4.

Về cuộc chiến Nga - Ukraine, ông Kellogg ủng hộ các bên đàm phán. Ông từng phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 6 rằng: "Chúng tôi sẽ nói với phía Ukraine, các vị phải ngồi vào bàn đàm phán, nếu không, Mỹ sẽ cắt viện trợ. Chúng tôi cũng nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông ấy phải ngồi vào bàn đàm phán, nếu không chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine mọi thứ để đối phó Nga".

Theo Reuters, ông Kellog và một cựu trợ lý khác của Tổng thống đắc cử Trump, Fred Fleitz, là đồng tác giả đề xuất chấm dứt xung đột Nga - Ukraine mà Phó Tổng thống đắc cử JD Vance đã nêu trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9.

Kế hoạch này sẽ đóng băng cuộc xung đột dọc theo chiến tuyến hiện tại, đồng thời trì hoãn việc xem xét tư cách thành viên NATO cho Ukraine trong vòng 20 năm.

Moscow sẽ bị buộc phải ngồi vào bàn đàm phán trước lời đe dọa Mỹ tăng viện trợ cho Kiev, trong khi Ukraine sẽ nhận được lời hứa nhận thêm vũ khí của Mỹ nếu đồng ý tham gia đàm phán.

Tuy nhiên, cả Nga và Ukraine đều bác bỏ đề xuất được đồn đoán này.

Luke Coffey, thành viên cấp cao tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn bảo thủ, cũng nhận định kế hoạch trên không phải một "đề xuất hòa bình mang tính thực tế".

Ông Kellogg từng là cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Phó Tổng thống Mike Pence trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Sau đó, ông trở thành quyền cố vấn an ninh cho ông Trump sau khi tướng Michael Flynn từ chức vào năm 2017.

Đầu năm nay, ông Kellogg đánh giá, việc ông Trump trở lại Nhà Trắng có thể dẫn đến thực tế là một số thành viên NATO chi tiêu quốc phòng không đạt mức ít nhất 2% GDP sẽ mất quyền được bảo vệ theo Điều 5 trong Hiến chương NATO trong trường hợp bị tấn công từ bên ngoài.

Ông cũng cho biết nếu ông Trump thắng cử, ông có thể triệu tập hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6/2025 để thảo luận về tương lai của liên minh.

Theo tướng Kellogg, NATO không loại trừ khả năng trở thành một "liên minh theo cấp bậc" trong đó một số thành viên được hưởng sự bảo vệ tốt hơn tùy thuộc vào việc họ tuân thủ các điều khoản thành lập của liên minh.

Theo Guardian, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm