Nga phản hồi đề xuất đóng băng xung đột, ngừng bắn với Ukraine
(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga cảnh báo việc đóng băng xung đột dọc theo đường ranh giới giao tranh hiện tại ở Ukraine sẽ tệ hơn so với thỏa thuận Minsk.
"Một số người hiện đã bắt đầu nhìn nhận tình hình Ukraine một cách tỉnh táo hơn và nói rằng: "Những gì đã mất không thể lấy lại được, vì vậy hãy đóng băng chúng bằng cách nào đó". Dù sao đi nữa, đây là những gì được đề xuất bởi những người muốn thay đổi lập trường của họ một cách triệt để và muốn chấm dứt chiến tranh. Tất cả họ đều nói rằng: "Hãy ngừng bắn dọc theo giới tuyến giao tranh trong 10 năm và sau đó chúng ta sẽ chờ xem"", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên kênh truyền hình Rossiya-1 hôm 13/11.
Theo ông Lavrov, "điều này giống như các thỏa thuận Minsk, nhưng trong một hình thức mới, thậm chí còn tệ hơn".
Thỏa thuận Minsk được các nước thuộc Bộ tứ Normandy - gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức - đồng thuận tại thủ đô Minsk của Belarus vào năm 2015, nhằm mục tiêu khép lại cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine giữa chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập tại Donbass.
Thỏa thuận có những nội dung cụ thể như: quân đội Ukraine và phe đối lập ở Donetsk và Lugansk nhất trí ngừng bắn, các chiến binh nước ngoài phải rời khỏi Ukraine, phóng thích tù nhân, Donetsk và Lugansk phải tiến hành bầu cử lại, Ukraine sẽ phải thay đổi hiến pháp để trao thêm nhiều quyền hơn nữa cho các vùng thuộc miền Đông nước này và khôi phục mọi hoạt động kinh tế tại miền Đông...
Tuy nhiên, trên thực tế, thỏa thuận này không được triển khai một cách đầy đủ, khiến giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra trong những năm qua, mặc dù trước đó, nhiều chuyên gia nhận định thỏa thuận Minsk có thể sẽ giúp định đoạt cục diện căng thẳng biên giới Ukraine.
Phương Tây chấp nhận thực tế Ukraine có thể phải nhượng lãnh thổ
Báo Washington Post ngày 13/11 đưa tin, các thành viên NATO ở châu Âu ngày càng tin vào một kịch bản kết thúc xung đột Nga - Ukraine với các nhượng bộ về lãnh thổ của Kiev
Theo Washington Post, một số quốc gia châu Âu đang ghi nhận "sự thay đổi âm thầm nhưng ngày càng tăng" hướng tới một lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine, trong đó Nga kiểm soát một số vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền, đồng thời trao cho Kiev một số hình thức bảo đảm an ninh.
Washington Post cho biết, các cuộc thảo luận kín đã diễn ra trong bối cảnh tình hình chiến trường "ảm đạm" đối với Ukraine và viễn cảnh nguồn tài trợ của Mỹ cạn kiệt khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1 năm sau.
Washington Post dẫn nguồn tin từ 10 nhà ngoại giao EU và NATO cho biết, mặc dù các tuyên bố công khai ủng hộ Kiev vẫn được đưa ra, nhưng một số quốc gia đang tìm cách "đặt nền móng" cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Một trong những ý tưởng được cho là đang được đưa ra là cho phép Nga giữ lại các vùng lãnh thổ mà nước này đang kiểm soát, trong khi Ukraine sẽ tiếp nhận lực lượng gìn giữ hòa bình của phương Tây hoặc các đảm bảo an ninh khác, nhưng không phải là tư cách thành viên NATO.
"Chắc chắn không còn là điều gì đó cực đoan nữa", một quan chức phương Tây giấu tên nói với báo Mỹ, trong khi một quan chức cấp cao của NATO cho biết những người đưa ra các đề xuất đổi lãnh thổ lấy hòa bình như vậy không còn bị coi là thiếu thực tế như trước đây.
Theo Washington Post, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang "gấp rút cung cấp nhiều viện trợ quân sự nhất có thể" cho Ukraine trước khi ông Trump nhậm chức. Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến Brussels vào ngày 13/11 để thảo luận về chiến lược với các quan chức cấp cao của NATO, EU và Ukraine.
Moscow đã nêu ra các điều khoản cho việc chấm dứt chiến sự vào đầu năm nay, trong đó có việc Ukraine rút khỏi tất cả các khu vực đã bỏ phiếu sáp nhập vào Nga, phi phát xít hóa, phi quân sự hóa, cũng như trung lập về quân sự và chính trị vĩnh viễn.