Ông Tập từng đề nghị thả bà Mạnh Vãn Chu trong điện đàm với ông Biden
(Dân trí) - Cả Bắc Kinh và Washington đều xác nhận rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắc tới vụ việc bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ trong cuộc điện đàm hồi đầu tháng 9.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 28/9 xác nhận rằng, ông Tập đã đề nghị Mỹ giải quyết vụ việc giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ, trong cuộc điện đàm giữa 2 nhà lãnh đạo hồi đầu tháng 9.
"Chủ tịch Tập Cận Bình đã có một nỗ lực rõ ràng và cụ thể về vụ việc Mạnh Vãn Chu, nêu rõ quan điểm của Trung Quốc và yêu cầu Mỹ giải quyết vấn đề một cách hợp lý càng sớm càng tốt ", bà Hoa cho biết.
Bà Hoa nói, ông Tập đã quan tâm tới vụ việc này kế từ khi bà Mạnh bị Canada bắt hồi tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ.
"Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều động thái ở các cấp độ khác nhau, cung cấp sự bảo vệ và hỗ trợ lãnh sự cho bà Mạnh, phản đối Mỹ và Canada, yêu cầu hủy bỏ các cáo buộc và yêu cầu Mỹ và Canada cho phép bà ấy được phép trở về Trung Quốc", bà Hoa nói.
Sau 3 năm bị giam lỏng ở Vancouver, bà Mạnh cuối tuần qua đã được trả tự do sau khi thừa nhận có hành vi sai lầm trong vụ việc liên quan tới các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Bà Mạnh sau đó đã lên máy bay hồi hương.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng xác nhận ông Tập đã nêu vụ việc của bà Mạnh trong cuộc điện đàm với ông Biden hôm 9/9. Ngoài ra, bà Psaki còn cho biết, ông Biden đã kêu gọi Trung Quốc thả 2 công dân Canada Michael Spavor và Michael Kovrig, những người bị Bắc Kinh bắt không lâu sau khi bà Mạnh bị bắt, liên quan tới cáo buộc gián điệp. Hai công dân Canada cũng được thả về nước chỉ vài giờ sau khi bà Mạnh được thả.
"Hai nhà lãnh đạo đã nói về vụ việc của các cá nhân trên nhưng không có thỏa thuận nào liên quan tới chúng", bà Psaki cho hay.
Trong các tuyên bố trước đó về cuộc điện đàm hồi đầu tháng, cả Mỹ và Trung Quốc đều không nhắc tới Huawei.
Hôm 27/9, bà Psaki đã bác bỏ quan điểm rằng, việc thả bà Mạnh và 2 công dân Canada là một vụ "trao đổi tù nhân", nhấn mạnh không có sự liên quan giữa 2 vụ việc.
Việc thả tự do cho bà Mạnh là một trong các yêu cầu Trung Quốc chuyển tới Mỹ hồi tháng 7. Bản danh sách này cũng bao gồm cả việc Bắc Kinh yêu cầu Mỹ gỡ bỏ lệnh hạn chế thị thực với công dân Trung Quốc và đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bà Hoa nói rằng, vụ việc bà Mạnh được giải quyết đã "gỡ bỏ cái gai cắm sâu trong quan hệ Mỹ - Trung".