1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc nói Canada nên "rút ra bài học" từ vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc cho rằng Canada nên rút ra bài học sau khi vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu khiến căng thẳng giữa hai nước leo thang.

Trung Quốc nói Canada nên rút ra bài học từ vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu - 1

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu trả lời phỏng vấn tại Vancouver, Canada sau khi được trả tự do ngày 24/9 (Ảnh: Xinhua).

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, người bị các công tố viên liên bang Mỹ truy nã vì nghi vấn gian lận liên quan đến cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran, đã bị bắt tại Vancouver, Canada vào tháng 12/2018. 

Ngày 24/9, bà Mạnh được phép về nước sau khi đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ về việc hoãn truy tố cho đến cuối năm 2022, sau đó các cáo buộc nhằm vào bà có thể được bãi bỏ. Vài giờ sau khi bà Mạnh được trả tự do, 2 công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ, Michael Kovrig và Michael Spavor, cũng được thả và lên máy bay về nước.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 27/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, sự trở về của bà Mạnh là kết quả sau "những nỗ lực không khoan nhượng" của chính phủ Trung Quốc cũng như sự ủng hộ của tất cả người dân Trung Quốc.

"Công lý có thể đến muộn, nhưng cuối cùng sẽ đến", bà Hoa nói, đồng thời khẳng định chính phủ Trung Quốc sẽ "kiên quyết" bảo vệ các công dân, doanh nghiệp và lợi ích của nước này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, vụ việc liên quan đến 2 công dân Canada "hoàn toàn khác" với vụ việc của bà Mạnh. Bà Hoa Xuân Oánh mô tả vụ xét xử giám đốc tài chính Huawei là "hành động đàn áp chính trị đối với công dân Trung Quốc", còn 2 công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ vì tội gián điệp.

"Phía Canada lẽ ra không nên làm việc cho Mỹ, thay vào đó nên rút ra bài học từ đó và hành động phù hợp với lợi ích của mình", bà Hoa nói thêm.

Theo bà Hoa, việc giam giữ bà Mạnh là một "sai lầm nghiêm trọng" của Mỹ cũng như Canada, và sai lầm này lẽ ra phải được "sửa chữa từ lâu".

Canada đã gọi vụ bắt giữ Kovrig và Spavor là hành động "ngoại giao con tin", nhưng Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này. Thời báo Hoàn cầu, báo nhà nước Trung Quốc, vào cuối ngày 26/9 đưa tin 2 công dân Canada đã "thừa nhận tội lỗi của mình" và được tại ngoại vì lý do y tế trước khi rời Trung Quốc.

Hồi tháng 8, Spavor bị buộc tội cung cấp ảnh chụp thiết bị quân sự cho Kovrig và bị kết án 11 năm tù. Trong khi đó, Kovrig vẫn đang chờ tuyên án.

Cuộc chiến pháp lý của bà Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Huawei Mạnh Chính Phi, khiến quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada trở nên căng thẳng, đặc biệt sau khi Bắc Kinh bắt giữ 2 công dân Canada.

Theo Thời báo Hoàn cầu, việc trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu là cơ hội để cải thiện quan hệ với Canada và Mỹ nhưng "luận điệu chính trị độc hại" vẫn có thể "đầu độc bầu không khí".

Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định việc Trung Quốc và Canada thả công dân của 2 nước là một tín hiệu tích cực, tuy nhiên sự phát triển trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington vẫn còn nhiều hạn chế.

"Không có dấu hiệu nào cho thấy Washington sẽ mềm mỏng trong cuộc chiến thương mại (với Bắc Kinh). Tôi cũng không cho rằng Trung Quốc ngay lập tức nới lỏng các hạn chế thương mại đối với Canada", chuyên gia Shi nhận định.