"Cuộc chiến cân não" giữa Mỹ - Trung - Canada trong vụ bà Mạnh Vãn Chu
(Dân trí) - Việc giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu được trả tự do về nước được xem là lối thoát cho "cuộc chiến cân não" giữa Mỹ, Trung Quốc và Canada suốt 3 năm qua.
Sau hơn 1.000 ngày bị giam lỏng ở Canada, giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, đã trở về Thâm Quyến, Trung Quốc hôm 25/9. Bà được trải thảm đỏ chào đón như "người hùng" và sự kiện "công chúa" Huawei về nước đã được chiếu trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân Trung Quốc.
Cùng thời điểm đó, 2 công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ, Michael Spavor và Michael Kovrig, cũng được trả tự do. Họ lên máy bay về nước trong sự chào đón của Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 25/9.
Cuối tuần qua, Bắc Kinh cũng cho phép 2 công dân Mỹ, Cynthia Liu và Victor Liu, những người bị cấm rời khỏi Trung Quốc từ năm 2018, trở lại Mỹ.
Giới phân tích nhận định, các cuộc "trao đổi con tin" là kết quả của quá trình đấu tranh pháp lý, ngoại giao và thương lượng phía sau "hậu trường" giữa Mỹ, Canada và Trung Quốc trong suốt 3 năm qua.
Việc bà Mạnh Vãn Chu đồng ý đảo ngược lập trường kéo dài suốt nhiều năm và thừa nhận một số sai phạm đã kéo theo một loạt động thái sau đó, bao gồm việc trả tự do cho 2 công dân Canada. Một nguồn tin tiết lộ, vụ việc diễn ra gấp rút đến mức, chỉ vài phút trước khi lên máy bay tại Bắc Kinh để trở về Canada, họ mới được thông báo về việc được trả tự do.
Tháng 12/2018, bà Mạnh Vãn Chu bị bắt tại sân bay ở thành phố Vancouver, Canada theo yêu cầu dẫn độ từ Mỹ. Bà đối mặt với cáo buộc nói dối ngân hàng HSBC và gian lận chuyển tiền, tìm cách che giấu hành vi vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ thông qua công ty Skycom, một công ty kinh doanh ở Iran.
Chỉ hơn một tuần sau đó, Trung Quốc đã bắt giữ 2 công dân Canada và cáo buộc họ hoạt động gián điệp. Canada và các đồng minh chỉ trích đây là hành động bắt giữ "con tin" của Trung Quốc, trong khi 2 nghi phạm phủ nhận mọi cáo buộc.
"Cuộc chiến" pháp lý dai dẳng
Theo Wall Street Journal, đội ngũ pháp lý của bà Mạnh Vãn Chu đã bắt đầu trao đổi với các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ từ mùa xuân năm 2020 về khả năng giải quyết vụ việc của bà. Các luật sư và quan chức của Huawei cũng tham dự nhiều cuộc họp. Các cuộc đàm phán tiếp tục diễn trong suốt năm 2020, khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ. Tuy vậy, lập trường của cả hai bên vẫn cách xa nhau.
Dù là tuyên bố công khai hay riêng tư, bà Mạnh Vãn Chu đều bác bỏ cáo buộc nhằm vào mình, trong khi các đồng minh mô tả bà như một "con tin". Đối với Bộ Tư pháp Mỹ, cơ sở để giải quyết vụ việc là bà Mạnh phải thừa nhận vấn đề mấu chốt rằng: Huawei đã cố ý lừa dối ngân hàng.
Sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, nhóm pháp lý của bà Mạnh một lần nữa liên hệ với các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ để duy trì các đường dây liên lạc dưới chính quyền mới và tiếp tục đàm phán. Một luật sư người Mỹ ở Trung Quốc tiết lộ, vào cuối mùa xuân năm nay, bà Mạnh Vãn Chu và cha của bà, nhà sáng lập Huawei, ngày càng thất vọng khi vụ việc vẫn tiếp tục kéo dài, vì vậy họ đã tăng cường đội ngũ pháp lý và quan hệ công chúng để giải quyết bế tắc.
Vào khoảng tháng 5, các cuộc đàm phán đã đạt được tiến triển sau khi bà Mạnh thuê một luật sư mới, William Taylor, để giúp bà xử lý vụ việc. Các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ vẫn đưa ra lập trường về vấn đề mấu chốt như những gì họ đã làm trước đây, trong đó yêu cầu bà Mạnh phải thừa nhận sai phạm. Họ cũng nói rõ rằng họ sẵn sàng giải quyết vụ việc của bà Mạnh tách biệt với vụ kiện chống lại công ty.
Khi Tổng thống Joe Biden trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu tháng 9, ông Biden đã hối thúc ông Tập thả 2 công dân Canada, trong khi ông Tập nêu ra vụ việc của bà Mạnh.
Cuộc đàm phán đã đạt được bước đột phá vào ngày 19/9, khi luật sư Taylor lần đầu tiên tuyên bố bà Mạnh sẵn sàng thừa nhận một số sai phạm và gửi một bản thảo về những gì bà thừa nhận. Bản thảo được xem là nền tảng dẫn tới thỏa thuận hoãn truy tố và mở đường cho "công chúa" Huawei trở về Trung Quốc.
David Kessler, một luật sư của phía Mỹ, cho biết tại tòa rằng thỏa thuận hoãn truy tố sẽ có hiệu lực trong 4 năm kể từ thời điểm bà Mạnh bị bắt giữ ngày 1/12/2018 cho đến ngày 1/12/2022. Ông Kessler nói, nếu bà Mạnh tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận, Mỹ sẽ tiến tới xóa bỏ các cáo buộc chống lại bà trước thời hạn hoãn truy tố. Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ cũng sẽ rút lại đề nghị dẫn độ đối với bà Mạnh.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao đến thời điểm này mới đạt được thỏa thuận? Bộ Tư pháp Mỹ cho biết thỏa thuận này không khác nhiều so với thỏa thuận mà hai bên đã đạt được vào năm ngoái. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, bà Mạnh không thừa nhận bất kỳ sai phạm nào.
Kể từ đó, bà Mạnh dường như đã nhận ra rằng cơ hội để bà tránh bị dẫn độ sang Mỹ rất thấp, dù đã đưa ra nhiều bằng chứng trước tòa. Tại phiên điều trần ngày 24/9, bà Mạnh không nhận tội, nhưng theo thỏa thuận, bà thừa nhận đã cố ý cung cấp "những tuyên bố sai lệch". Việc giám đốc tài chính Huawei đồng ý với thỏa thuận của phía Mỹ được xem là giải pháp phù hợp cho các bên và mở ra cơ hội cho chính bà.
"Giải thoát" cho các bên
Vụ việc liên quan đến việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu đã khiến cho mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada căng thẳng suốt thời gian dài. Giới chức Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích động thái của Canada, Mỹ, đề nghị trả tự do cho bà Mạnh ngay lập tức.
Giới phân tích cho rằng, thỏa thuận cho phép bà Mạnh về nước sau gần 3 năm bị giam lỏng là "sự giải thoát" cho cả Mỹ, Trung Quốc và Canada, khi các bên đều liên quan tới một vụ việc vốn ban đầu chỉ là tranh chấp pháp lý nhưng sau đó leo thang thành cuộc chiến địa chính trị.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump biến vụ kiện của bà Mạnh thành vụ việc mang động cơ chính trị khi tuyên bố, ông sẵn sàng can thiệp để hủy các cáo buộc với bà Mạnh nếu điều này giúp ích cho các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Trung Quốc lại cho rằng bà Mạnh và Huawei bị lợi dụng như một "vũ khí" trong cuộc chiến lớn hơn. Việc truy tố một cá nhân giám đốc tài chính thay vì cả một tập đoàn là chuyện ít gặp.
Ngoài ra, bà Mạnh còn là con gái của nhà sáng lập Huawei - "gã khổng lồ" công nghệ tại Trung Quốc, nên Bắc Kinh có thể coi đây như một đòn tấn công nhằm vào một "tượng đài" doanh nhân của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đáp trả theo 3 hướng.
Vài ngày sau khi bà Mạnh bị bắt, Trung Quốc bắt giam 2 công dân Canada, gồm cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, với cáo buộc không rõ ràng. Một tòa án Trung Quốc hồi tháng 8 đã tuyên án Spavor tội gián điệp và kết án 11 năm tù, trong khi bản án cho Kovrig vẫn chưa được công bố.
Ở mũi tấn công thứ hai, Huawei đã chuẩn bị một trong những thách thức pháp lý phức tạp và tốn kém nhất đối với một vụ dẫn độ, có khả năng mất nhiều năm để theo đuổi vụ việc tại các tòa án Canada.
Cuối cùng, chính phủ Trung Quốc gây sức ép với Canada. Bị mắc kẹt giữa hai siêu cường và nhận thức rõ rằng cần phải thể hiện sự độc lập của các tòa án, Canada đã cố gắng tránh các động thái khiêu khích.
Canada tránh công bố quyết định về việc loại bỏ mạng 5G của Huawei, không đi đầu trong việc bảo vệ Đài Loan khỏi các mối đe dọa từ Trung Quốc. Canada cũng không tham gia hiệp ước an ninh AUKUS của Mỹ, Anh và Australia được công bố trong tháng này.
Trọng tâm chiến lược của Canada là "ngoại giao im lặng", tuyên bố rõ lập trường rằng việc bắt giam tùy tiện là không thể chấp nhận được, mặc dù điều này cũng vấp phải sự phản đối của Bắc Kinh.
Theo Guardian, việc bà Mạnh Vãn Chu trở về Trung Quốc được xem là "món quà" mừng tái đắc cử đối với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, khi 2 công dân Canada được Trung Quốc trả tự do.