Ông Stoltenberg: Ukraine phải thắng Nga nếu muốn vào NATO
(Dân trí) - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, Ukraine phải giành chiến thắng trong cuộc xung đột hiện nay với Nga nếu muốn gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt.
"Tôi hy vọng rằng các đồng minh sẽ thực sự đưa ra những thông báo quan trọng từ nay đến hội nghị thượng đỉnh cũng như tại hội nghị về việc cung cấp thêm thiết bị quân sự (cho Ukraine). Điều này rất cần thiết để đảm bảo rằng Ukraine chiếm ưu thế với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu với phóng viên bên lề cuộc họp bộ trưởng quốc phòng NATO ở Brussels ngày 12/6.
NATO sẽ họp thượng đỉnh vào ngày 9-10/7 tại Mỹ. Một trong những chủ đề quan trọng của hội nghị là tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine.
Ông Stoltenber nhấn mạnh: "Nếu không có điều đó thì không có vấn đề gì về tư cách thành viên cho Ukraine được đưa ra thảo luận. Chúng ta cần đảm bảo rằng Ukraine sẽ thắng thế, đó là điều kiện tối thiểu để Ukraine trở thành thành viên của liên minh".
Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt vào tháng 9/2022, không lâu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Bất chấp đề nghị của Ukraine về việc đẩy nhanh lộ trình kết nạp, NATO đến nay vẫn từ chối ấn định một thời gian cụ thể hoặc lộ trình gia nhập cho Ukraine.
Các thành viên của liên minh loại trừ khả năng kết nạp Ukraine khi xung đột với Nga chưa kết thúc.
Giới chức Ukraine tiếp tục thúc đẩy các bước đi cụ thể hướng tới việc gia nhập NATO. Phó Thủ tướng Ukraine Olga Stefanishina nói với Politico trong tháng này: "Chúng tôi cũng mong đợi các quyết định cụ thể liên quan đến tư cách thành viên của Ukraine trong NATO trong một gói các đảm bảo khác về tính liên tục của viện trợ quân sự".
Tuy nhiên, Mỹ nêu rõ, Ukraine sẽ không trở thành thành viên của khối trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Washington. Trợ lý Bộ trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu James O'Brient cho biết: "Chúng tôi cho rằng sẽ không có lời mời Ukraine gia nhập NATO (vào tháng 7), nhưng chúng tôi nghĩ sẽ có sự ủng hộ đáng kể dành cho Ukraine khi nước này nỗ lực giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga".
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, hòa bình ở Ukraine là sự đảm bảo rằng Nga sẽ không bao giờ có thể kiểm soát lãnh thổ Ukraine, mà không nhất thiết Ukraine phải gia nhập NATO.
Ông nói thêm: "Điều đó có nghĩa là chúng tôi có mối quan hệ với họ giống như chúng tôi làm với các quốc gia khác, nơi chúng tôi cung cấp vũ khí để họ có thể tự vệ trong tương lai. Nhưng tôi chưa sẵn sàng ủng hộ việc NATO hóa Ukraine".
Kể từ năm 2023, Ukraine đã ký các hiệp định an ninh song phương với một số thành viên NATO, bao gồm Anh, Pháp và Đức. Tuy nhiên, các thỏa thuận này không có hiệu lực tương tự Điều 5 của Hiến chương NATO, trong đó quy định rằng một cuộc tấn công nhằm vào một thành viên phải được coi là một cuộc tấn công chống lại toàn bộ liên minh.
Nga coi nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine và việc liên minh này tiếp tục mở rộng về phía đông là một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột hiện nay.
Moscow coi NATO là mối đe dọa đối với an ninh của nước này và khẳng định Ukraine phải là một quốc gia trung lập với lực lượng vũ trang hạn chế.