1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đề nghị bí mật của một số thành viên NATO với Tổng thống Ukraine

An Hoàng

(Dân trí) - Một số thành viên NATO được cho là đã đề nghị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không yêu cầu liên minh quân sự này cam kết thời gian rõ ràng về kết nạp Kiev tại hội nghị thượng đỉnh năm nay.

Đề nghị bí mật của một số thành viên NATO với Tổng thống Ukraine - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: AFP).

Telegraph ngày 28/5 đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã được yêu cầu tránh đề cập đến việc trở thành thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh thường niên năm nay trong bối cảnh khối liên minh lo ngại nguy cơ bị lôi kéo vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Hội nghị thượng đỉnh thường niên NATO 2024 sẽ được tổ chức tại Washington từ ngày 9/7 đến 11/7, đánh dấu kỷ niệm 75 thành lập liên minh.

"Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngờ vực khả năng đưa Ukraine tiến xa hơn trên con đường trở thành một thành viên chính thức của NATO trong năm nay", nguồn thạo tin cho biết.

Nguồn tin tiết lộ thêm: "Mỹ có lẽ sẽ không có nhiều lo ngại như Đức, nhưng họ vẫn cân nhắc về mối đe dọa từ Nga đối với phần còn lại của khối liên minh".

Quyết định này của NATO được cho là sẽ khiến Tổng thống Zelensky tức giận dù trước đó Kiev từng nhận được cảnh báo "không nên yêu cầu những điều không thể" từ các quốc gia đồng minh.

Vào năm 2023, ông Zelensky chỉ trích NATO là "vô lý" khi giới lãnh đạo của khối từ chối việc cấp quyền thành viên chính thức cho Kiev tại cuộc họp diễn ra ở Vilnius, Lithuania.

Theo nhiều nguồn tin, các quan chức hàng đầu của NATO đã thực hiện các biện pháp "quản lý kỳ vọng" trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khối trong bối cảnh một số thành viên (trong đó có Anh) gây sức ép quá mức về việc khối phải đưa ra quyết định rõ ràng về thời gian kết nạp Ukraine sau hội nghị năm 2023.

Điều này làm dấy lên lo ngại rằng vấn đề tư cách thành viên của Ukraine có khả năng chi phối hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, đồng thời gây ra rạn nứt giữa các nước thành viên. Nếu tình trạng đó lặp lại tại hội nghị ở Washington năm nay, nó sẽ cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng viên tổng thống sáng giá của đảng Cộng hòa, cớ để công kích NATO trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ.

Mặc dù giới chức NATO sẽ từ chối đưa ra khung thời gian cụ thể kết nạp Ukraine, song liên minh này vẫn có thể tiếp tục đưa ra những gợi ý như tạo "cầu nối" hoặc "con đường" để giúp Ukraine gia nhập, nghĩa là vẫn thể hiện thái độ ủng hộ đối với tiến trình này.

Một số nhà ngoại giao cho biết vẫn còn một gói hỗ trợ của NATO đang trong quá trình thảo luận. Nếu được thông qua, khoản viện trợ này được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine chứng minh sức mạnh, khả năng tự vệ và nắm thế chủ động trong cuộc xung đột với Nga, đồng thời rút ngắn tiến trình gia nhập NATO.

Vào năm 2008, NATO lần đầu tiên đồng ý việc Ukraine có thể trở thành thành viên của khối, song từ đó tới nay, quá trình này vẫn chưa được hoàn tất.

Sau đó, các quốc gia thành viên nhất trí việc Kiev sẽ không được phép tham gia vào liên minh khi đang ở trong trạng thái xung đột với Moscow do việc này sẽ kích hoạt điều khoản phòng thủ chung theo Điều 5 trong hiến chương NATO.

Trong tuyên bố cuối cùng tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Vilnius, Anh và Pháp đã dùng cụm từ "lời mời" cho Ukraine, nhằm tái khẳng định việc trì hoãn là do trở ngại về mặt chính trị chứ không để ngăn cản tư cách thành viên của Ukraine.

"Đây không được xem là một lời mời chính thức, nhưng lại là bước tiếp cận gần nhất có thể của Ukraine", một nhà ngoại giao nhận xét.

Bên cạnh đó, gói viện trợ đang trong giai đoạn thảo luận của NATO cho Kiev dự kiến sẽ tập trung vào củng cố lực lượng vũ trang, đảm bảo Ukraine sẵn sàng gia nhập liên minh ngay sau khi quyết định được thông qua tại thời điểm thích hợp.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thúc đẩy cam kết giữa 32 quốc gia thành viên nhằm tạo ra một quỹ trị giá 100 tỷ USD. Khoản tiền này có thể giúp quân đội Ukraine đạt được tiêu chuẩn NATO thông qua việc cung cấp và huấn luyện vũ khí.

Trước sự hoài nghi về con số 100 tỷ USD của một số quốc gia , NATO đang tiến hành các cuộc đàm phán nhằm thay thế quỹ này bằng cam kết của mỗi quốc gia thành viên đóng góp 1% chi tiêu quốc phòng cho Kiev.

Theo Telegraph
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine