1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Putin: Châu Âu cần Nga hơn

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định bất chấp lệnh cấm vận, nền kinh tế nước này vẫn đang phát triển, trong khi các nền kinh tế hàng đầu châu Âu đang trải qua "thời kỳ khó khăn".

Ông Putin: Châu Âu cần Nga hơn - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Vladimir Putin ngày 10/1 cho biết Nga đã thể hiện khả năng phục hồi thực sự bằng cách không khuất phục trước áp lực nước ngoài. Ông khẳng định Nga là một "quốc gia tự cung tự cấp", với nền kinh tế đang phát triển bất chấp các lệnh trừng phạt, trong khi các nước thành viên EU đang trải qua "thời kỳ khó khăn".

Ông đưa ra bình luận trên trong cuộc gặp với người dân Chukotka, vùng Viễn đông của Nga. Ông cho biết người Nga thường xuyên nhận được những tín hiệu đe dọa từ nước ngoài, nhưng "điều này không làm chúng tôi sợ hãi". Ông cho rằng EU nên tập trung vào các vấn đề trong nước của họ.

"Họ nên nghĩ cho bản thân mình, ngày mai sẽ ăn gì, mặc gì. Tất cả họ đều có nhiều vấn đề hơn những gì Nga đối mặt. Ngay cả những nền kinh tế hàng đầu châu Âu cũng đang trải qua thời kỳ khó khăn. Chúng ta đang phát triển còn họ thì đang khó khăn. Hóa ra, họ phụ thuộc vào chúng ta nhiều hơn là chúng ta phụ thuộc vào họ", ông nói.

Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới sau khi triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Tháng 11 năm ngoái, Dmitry Birichevsky, người đứng đầu Vụ Hợp tác Kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga, cho biết đến thời điểm nêu trên, Phương Tây đã áp đặt hơn 17.500 lệnh trừng phạt lên Moscow. Con số trên tới nay sẽ tăng lên vì EU mới áp lệnh hạn chế với  hoạt động buôn bán kim cương của Nga.

Trong khi ông Putin không nêu cụ thể ra bất cứ nền kinh tế châu Âu nào đang đối mặt với thách thức, RT cho rằng, ông dường như ám chỉ nền kinh tế hàng đầu của EU, Đức.

Bloomberg dẫn số liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết, nước này có thể đang đối diện với tình trạng khó khăn, với sản lượng công nghiệp giảm tháng thứ 6 liên tiếp hồi tháng 11/2023.

Trong khi đó, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) nhận định, nền kinh tế Đức có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong những năm tới. Dự kiến vào năm 2027, quốc gia này có nguy cơ mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào tay Ấn Độ.

Cũng theo nghiên cứu, một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Đức bị đánh giá là suy yếu đi là do lĩnh vực sản xuất của nước này phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Đức, quốc gia mua 40% lượng khí đốt từ Nga trước năm 2022, là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất khi nguồn cung từ Moscow giảm kể từ sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine