1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga biến cuộc tẩy chay của phương Tây thành "món hời" thế nào?

Thanh Thành

(Dân trí) - Khi các công ty nước ngoài muốn rời khỏi nước Nga, họ sẽ phải tuân theo các điều kiện do Moscow đưa ra, theo những cách có lợi cho chính phủ và người dân trong nước.

Nga biến cuộc tẩy chay của phương Tây thành món hời thế nào? - 1

Một cửa hàng OBI đóng cửa ở Moscow vào năm 2022 (Ảnh: Reuters).

Ngay sau khi quân đội Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các công ty phương Tây: "Hãy rời khỏi Nga".

"Hãy đảm bảo rằng người Nga không nhận được một xu nào", Tổng thống Zelensky phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội vào ngày 16/3/2022.

Hàng trăm công ty phương Tây đã đáp lại lời kêu gọi đó. Các chính trị gia và nhà hoạt động dự đoán động thái đó sẽ góp phần bóp nghẹt nền kinh tế Nga và khiến Moscow gặp khó khăn trong khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có kế hoạch khác. Nhà lãnh đạo này đã biến sự rút lui của các công ty lớn của phương Tây thành một vận may bất ngờ cho giới tinh hoa trung thành của Nga và chính nước này.

Chính phủ Nga đã buộc các công ty muốn rời đi sẽ phải tuân theo các điều kiện do Moscow đưa ra, theo những cách có lợi cho chính phủ và người dân trong nước. Những công ty này cũng phải chịu mức thuế rất cao, giúp Nga thu về ít nhất 1,25 tỷ USD cho ngân sách Nga trong năm qua. Ngoài ra, các công ty phải bán nhà xưởng, chi nhánh ở Nga ở với giá rẻ và Moscow cũng là bên chỉ định người mua. Sau khi phân tích báo cáo tài chính, ước tính rằng các công ty phương Tây lỗ hơn 103 tỷ USD sau khi rời khỏi Nga.

Các công ty cũng không được tự tìm bên mua. Chẳng hạn như vụ việc của công ty bia Heineken của Hà Lan. Công ty này đã tìm được người mua vào mùa xuân này và định giá. Nhưng chính phủ Nga đã từ chối thỏa thuận và giao chi nhánh ở Nga của công ty này vào tay một gã khổng lồ về đóng gói khí dung.

Nhìn chung, chính phủ Nga đã giám sát một trong những vụ chuyển giao tài sản lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Một loạt các ngành công nghiệp như thang máy, lốp xe, sơn công nghiệp và nhiều ngành khác hiện đang nằm trong tay người Nga.

Các doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước Nga đã mua lại tài sản của các tập đoàn khổng lồ như Ikea và Toyota. Trong nhiều trường hợp, chính phủ Nga giám sát các thương vụ này. "Chắc chắn đây là những giao dịch tốt cho chúng tôi", Anton Pinsky, chủ nhà hàng nổi tiếng ở Nga đã cùng một số người khác tiếp quản Starbucks, cho biết.

Ngày nay ở Nga, thị trường tiêu dùng vẫn phát triển mạnh mẽ giúp nền kinh tế nước này duy trì ổn định bất chấp tình hình chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine kéo dài hơn, chết chóc hơn và tốn kém hơn dự đoán rất nhiều.

Và cho đến nay, hầu hết các công ty nước ngoài vẫn ở Nga, không muốn mất hàng tỷ USD mà họ đã đầu tư vào đó trong nhiều thập kỷ. Các công ty này có thể mua nguyên liệu thô trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước bạn. Và khách hàng vẫn có thể dễ dàng mua những sản phẩm được cho là "đã bị lấy ra khỏi kệ". Vào một ngày gần đây, một siêu thị ở Moscow đã cung cấp các sản phẩm của Pepsi từ Uzbekistan và Coca-Cola từ Ba Lan.

Các cuộc phản công kinh tế của chính phủ Nga đã giúp củng cố sự ủng hộ của giới tinh hoa trong nước và giảm tác động do các lệnh trừng phạt của  phương Tây. Trong khi Ukraine đang bận tâm với những nhiệm vụ ngắn hạn như tăng cường hỗ trợ quốc tế, thì khả năng phục hồi tương đối của nền kinh tế Nga đã giúp Moscow có thể chơi một ván cờ lâu dài.

Chính phủ Nga đã nhấn mạnh họ muốn các công ty ở lại hơn. Nhưng Tổng thống Putin chế giễu quan điểm cho rằng, việc các hãng phương Tây rời đi sẽ gây tổn thương cho kinh tế Nga. "Họ nghĩ mọi thứ ở đây sẽ sụp đổ? À, không có chuyện như vậy xảy ra. Các công ty Nga đã tiếp quản và tiếp tục phát triển", nhà lãnh đạo Nga phát biểu hồi đầu tháng này. 

Nga biến cuộc tẩy chay của phương Tây thành món hời thế nào? - 2

"Zamestim," tiếng Nga có nghĩa là "Chúng tôi sẽ thay thế", được kết hợp từ logo của các công ty phương Tây, trưng bày ở St. Petersburg vào tháng 4/2022 (Ảnh: Alamy).

Không phải mọi thỏa thuận đều là một sự may mắn. Một số người mua sẽ phải đối mặt với những trở ngại lớn trong việc kinh doanh như thế nào để có lãi Nhưng quan trọng là nền kinh tế Nga vẫn ổn định.

Phương Tây đã thua?

Phát biểu từ Nhà Trắng chỉ 2 tuần sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định rằng phương Tây sẽ đè bẹp nền kinh tế Nga. "Danh sách các doanh nghiệp và tập đoàn quốc tế rời khỏi Nga tăng lên mỗi ngày", ông Biden nói.

Mọi thứ có vẻ ảm đạm đối với ông Putin tại thời điểm đó. Sàn giao dịch chứng khoán phải đóng cửa trong khi đồng ruble lao dốc. Nếu Nga mất việc làm, sản xuất và tiền mặt của các công ty phương Tây, hậu quả sẽ rất nặng nề.

Nga biến cuộc tẩy chay của phương Tây thành món hời thế nào? - 3

Nhà máy sản xuất thang máy ở St. Petersburg từng thuộc sở hữu của Otis Worldwide, nhưng hiện đã được một doanh nghiệp Nga mua lại (Ảnh: AP).

Tuy nhiên, Nga đã chuẩn bị biện pháp đối phó. Nước này hạn chế dòng tiền chuyển ra nước ngoài và yêu cầu các công ty từ những quốc gia "không thân thiện" phải xin phép trước khi bán chi nhánh của họ ở Nga. Chính phủ Nga đã "hãm phanh" đúng lúc các nhà điều hành phương Tây phải đối mặt với áp lực phải tăng tốc rời đi.

Ở Mỹ, giáo sư Jeffrey Sonnenfeld của Đại học Yale là một trong những nhân vật được biết đến rộng rãi. Ông xuất hiện trên các chương trình tin tức truyền hình cáp, chỉ trích các công ty còn ở lại Nga. Giáo sư Sonnenfeld kể lại rằng, chính các cuộc tẩy chay doanh nghiệp - hơn cả các biện pháp trừng phạt - đã giúp xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.

Vị giáo sư nổi tiếng này thậm chí đã biến văn phòng của mình thành "phòng chiến tranh", với một nhóm ở Yale liên tục chấm điểm những công ty về mức độ nỗ lực cắt đứt quan hệ với Nga.

Câu hỏi ai sẽ là người sở hữu những công ty đó không mấy được quan tâm. "Nếu ông Putin nghĩ rằng ông ấy có thể làm tốt hơn với món chiên ngập dầu, hãy để ông ấy làm điều đó. Chúng tôi thực sự không quan tâm. Điều quan trọng là không có sự chứng thực của một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu", giáo sư này tuyên bố trong một chương trình phỏng vấn.

Danh sách của giáo sư Sonnenfeld và những danh sách tương tự đã gây thêm áp lực từ các cổ đông, các nhà hoạt động Ukraine và người tiêu dùng buộc các tập đoàn chọn cách rời đi. Những công ty khác không muốn từ bỏ khoản đầu tư của mình vì suy nghĩ chiến sự có thể chỉ xảy ra trong thời gian ngắn.

Nhưng một số công ty nhanh chóng công bố ý định đi. Heineken và Carlsberg cho biết họ sẽ rời đi sau khi tìm được đối tác mua. Công ty khai thác vàng Kinross của Canada cũng làm như vậy và chỉ trong vài ngày đã công bố một thỏa thuận trị giá 680 triệu USD để bán hoạt động tại Nga cho một đối tác mua địa phương. OBI, chuỗi cửa hàng phần cứng của Đức, đã tiến thêm một bước khi tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả 27 cửa hàng ở Nga cho đến khi tìm được người mua.

Nhưng bất chấp làn sóng rời đi này, đến mùa hè năm 2022, nền kinh tế Nga đã ổn định, đồng ruble phục hồi và chiến lược của chính phủ Nga thay đổi. Hình ảnh Bộ trưởng Công thương Nga, Denis V. Manturov, xuất hiện tại một nhà máy thang máy ở St. Petersburg đã gây chú ý. Nhà máy này từng thuộc công ty thang máy lớn nhất thế giới, Otis Worldwide có trụ sở tại Connecticut, Mỹ. Bây giờ nó thuộc sở hữu của một công ty do một người Nga là ông Armen M. Sarkisyan kiểm soát. "Việc kinh doanh này đã là của Nga rồi. Bây giờ nó được gọi là Meteor", ông nói.

Trong thời kỳ đầu chiến tranh, các công ty như McDonald's đã bán cho các nhà quản lý địa phương hoặc đối tác kinh doanh địa phương, với lựa chọn quay trở lại Nga sau này. Tuy nhiên, sau đó những giao dịch như vậy càng trở nên khó khăn hơn.

Và trong năm 2023, bối cảnh trở nên khó đoán khi Nga liên tục thay đổi quy định khiến nhiều công ty như Unilever tuyên bố rằng, họ thà ở lại còn hơn để tài sản rơi vào tay chính phủ Nga.

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm