Ông Barack Obama và Tập Cận Bình sẽ nói gì trong cuộc gặp 90 phút?
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc hội đàm riêng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân diễn ra hôm nay 31/3 tại Washington. Một trong những chủ đề sẽ được đề cập đến đó là căng thẳng hiện tại ở Biển Đông.
Theo tờ New York Times, dù có hàng chục nguyên thủ quốc gia tới Washington dự hội nghị nêu trên song Tổng thống Obama sẽ chỉ gặp riêng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Động thái này cho thấy mối quan tâm của Mỹ đối với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh đang trỗi dậy ở khu vực và quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp nhất trong 15 năm qua.
Hiện có rất ít kỳ vọng cho rằng sẽ có một kết quả cụ thể nào đó đạt được trong cuộc họp kéo dài 90 phút giữa ông Obama và ông Tập Cận Bình. Do vậy, một số nhà phân tích tại Trung Quốc và Mỹ cho rằng vấn đề Biển Đông sẽ được nêu ra nhưng để hai bên tìm được sự đồng thuận nhằm xoa dịu căng thẳng ở vùng biển này không phải điều dễ dàng.
Ông Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, cho rằng: "Ông Tập có thể sẽ cam kết không tiến hành thêm các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông. Đổi lại, ông muốn Mỹ đồng ý không điều thêm tàu chiến và máy bay thực hiện các cuộc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải tại các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông".
Từ cuối năm ngoái đến nay, Hải quân Mỹ đã tiến hành hai cuộc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải tại Biển Đông, trong khi các nghị sỹ Mỹ hối thúc chính phủ nước này tiến hành thêm các cuộc tuần tra.
Ông Douglas H. Paal, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế, cho rằng động thái kiềm chế từ hai cường quốc như Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp ích cho tình hình Biển Đông lúc này. Ông nói: "Những cam kết kiềm chế các hành động mới của Trung Quốc sẽ dẫn tới việc Mỹ cũng cam kết hạn chế các hoạt động quân sự hoặc khả năng triển khai quân đội thường trực với quy mô lớn ở Biển Đông".
Cũng theo tờ New York Times, chính sách "đánh cược" về vấn đề Biển Đông của ông Tập không nhận được sự ủng hộ của một số chuyên gia về chính sách đối ngoại. Những người này cho rằng các hành động bành trướng mà Bắc Kinh tiến hành thời gian qua khiến các quốc gia láng giềng ở châu Á xa lánh Trung Quốc, đẩy họ xích lại gần hơn Mỹ. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì mà ông Tập Cận Bình đang theo đuổi thông qua chính sách về thương mại và ngoại giao.
Ngoài ra, một số học giả Trung Quốc cũng có ý kiến cho rằng, trong một động thái nhằm hướng tới việc công nhận thẩm quyền của luật biển quốc tế, Trung Quốc có thể đẩy mạnh quá trình đòi công nhận cái gọi là "đường 9 đoạn" ở Biển Đông. Trong kế hoạch từng được công bố từ cuối những năm 1940, "đường 9 đoạn" của Trung Quốc đòi chủ quyền của gần hết các khu vực tại Biển Đông, chồng chéo vào khu vực lãnh thổ mà các nước khác trong khu vực cũng tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Trung Quốc tới nay vẫn chưa cho biết tọa độ chính xác của "đường 9 đoạn". Sự mập mờ này nhằm giúp Trung Quốc dễ dàng điều chỉnh các thủ đoạn trong tranh chấp chủ quyền với quốc gia khác.
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã trái phép tiến hành cải tạo các đảo nhân tạo tại những vùng có tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, xây dựng trên đó các đường băng và hải cảng để phục vụ cho các mục đích quân sự. Còn tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, quân đội Trung Quốc đã triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không và những hệ thống radar phi pháp.
Giới phân tích cho rằng các hạ tầng đó đang giúp Trung Quốc tăng cường kiểm soát trái phép đối với vùng biển chiến lược theo cách mà nước này chưa bao giờ làm trước đây.
Ngọc Anh
Theo NYT