Vì sao Nga liên tục điều tàu chiến tới Syria?
(Dân trí) – Luôn khẳng định sẽ không tham chiến tại Syria nếu nước này bị Mỹ và đồng minh tấn công, nhưng Nga vẫn đang liên tục điều nhiều chiến hạm tới gần Syria. Phải chăng họ chỉ đang chuẩn bị để di tản công dân như tuyên bố hay còn có những toan tính khác?
Ngày 6/9, hải quân Nga đã xác nhận với báo giới nước này việc tàu khu trục Smetlivy, lớp Kashin, được trang bị tên lửa dẫn đường thuộc hạm đội Biển Đen sẽ được điều tới Địa Trung Hải trong tuần tới.
Thông tin trên được công bố sau khi hai tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk và Minsk cùng tàu tình báo điện tử Priazovye vừa gia nhập hạm đội Địa Trung Hải hôm 6/9. Trong các ngày 17/9 tới, thêm tàu khu trục tên lửa hành trình dẫn đường Mátxcơva cũng sẽ tới Địa Trung Hải. Chưa kể còn hai tàu tên lửa khác là Ivanovets và Sthil cũng đổ về đây vào ngày 29/9.
Theo đài phát thanh Tiếng nói nước Nga ngày 7/9, hiện hải quân nước này đã có tới 10 tàu chiến và một số tàu ngầm tại Địa Trung Hải. Đây là đợt tập hợp lực lượng lớn nhất của hải quân Nga tại vùng biển này kể từ năm 1992, thời điểm không lâu sau khi Liên Xô cũ sụp đổ, một liên đội Địa Trung Hải của hải quân Liên Xô gồm từ 30 - 50 tàu bị giải tán.
7 trong số 10 tàu chiến của Nga tại Đại Trung Hải là tàu đổ bộ cỡ lớn. Trong số đó có 2 tàu thuộc hạm đội Thái Bình Dương, 2 chiếc thuộc hạm đội Baltic và 3 chiếc thuộc phạm đội biển Đen. Một số tàu đã neo tại đây một thời gian dài, trong đó tàu Alexander Shibalin từng rời cảng Baltiysk của Nga từ tháng 12/2012.
Vì sao tuyên bố không tham chiến, nhưng Nga lại cử một lực lượng lớn như vậy tới gần Syria? Việc Nga tập trung lực lượng tại đây rõ ràng không để phô trương lực lượng. Mối đe dọa chiến tranh tại Syria, một đồng minh của Nga tại Trung Đông đang đòi hỏi Mátxcơva phải sẵn sàng cho những phản ứng nhanh chóng và phù hợp.
Lí do đầu tiên, theo đài phát thanh Tiếng nói nước Nga, đó là các tàu trên sẽ giúp tạo ra một tuyến đường an toàn cho việc cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố. Việc một lực lượng lớn như vậy của Nga có mặt tại đây sẽ giảm thiểu khả năng xảy ra một vụ việc tương tự như mùa Hè 2012. Vào thời điểm đó, tàu hàng Aloed của Nga đang chuyên chở trực thăng cho Syria đã bị chặn lại trước khi đến đích.
Lí do thư hai, như chánh văn phòng điện Kremlin Sergei Ivanov tuyên bố hôm 5/9, đó là nhằm chuẩn bị cho khả năng di tản công dân nước mình nếu cần.
Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả đó là các tàu chiến của Nga sẽ giúp chính quyền Syria được cảnh báo sớm về các đợt không kích của Mỹ và đồng minh.
Trong một vài ngày tới, khi tàu khu trục Mátxcơva gia nhập hạm đội Địa Trung Hải, nó sẽ trở thành “hạt nhân” trong liên đội tàu của Nga bởi khả năng liên lạc mạnh mẽ cùng hệ thống tên lửa tầm xa.
Hệ thống do thám của Mátxcơva có thể tạo ra một trường điện đàm rộng lớn, đủ để bao phủ cả Địa Trung Hải. Khi đó, nếu hệ thống do thám này phát hiện các tên lửa của Mỹ được bắn về Syria, ngay lập tức nó có thể thông báo về cả thủ đô nước Nga lẫn Damascus
Hiện tại, khi khu trục hạm Mátxcơva chưa có mặt, nhiệm vụ do thám có thể do tàu do thám điện tử Priazovye đảm nhiệm. Theo nhận định của Viện nghiên cứu chiến tranh được tờ Csmonitor đăng tải, Priazovye được trang bị cả hệ thống radar chủ động lẫn sonar bị động, giúp nó có thể phát hiện vị trí của các tàu chiến và tàu ngầm trong khu vực. Tương tự, các vụ phóng tên lửa sẽ sớm bị phát hiện và cảnh báo cho chính quyền Syria.
Tuy vậy, cho dù năng lực của liên đội tàu chiến Nga là đa dạng, khả năng hoạt động lâu dài của các tàu chiến này có giới hạn, do chúng chủ yếu được thiết kế để vận chuyển người và hàng hóa. Các tàu này không thể được sử dụng như những tàu đổ bộ “toàn năng” có thể mang theo các máy bay chiến đấu, có tầm tác chiến bao phủ cả khu vực.
Việc này chỉ có thể thực hiện được nếu liên đội tàu chiến hiện tại có thêm từ một đến hai tàu đổ bộ lớp Mystral mà Nga gọi là Vladivistok đang được đóng tại Pháp. Một tàu sân bay cũng có thể giúp liên đội tàu của nga mạnh hơn, nhưng theo lịch trình phải đến tháng 12/2013, tàu sân bay duy nhất của nước này mới đến Địa Trung Hải. Trong khi đó kế hoạch đóng mới tàu sân bay vẫn đang được thảo luận tại Nga.
Một số chiến hạm của Nga đang có mặt quanh Syria
Tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk
Thanh Tùng
Tổng hợp