1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nỗi đau ly tán của người Triều Tiên sau chuyến đi định mệnh

(Dân trí) - Nỗi đau ly tán vẫn luôn hiện hữu trong lòng người đàn ông 81 tuổi Kim Kwang-ho sau hàng chục năm rời xa quê hương Triều Tiên và sinh sống tại Hàn Quốc.

Ông Kwang-ho cầm trên tay bức ảnh chụp gia đình tại Hàn Quốc (Ảnh: AFP)
Ông Kwang-ho cầm trên tay bức ảnh chụp gia đình tại Hàn Quốc (Ảnh: AFP)

Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã đẩy hàng triệu người dân trên bán đảo Triều Tiên vào cảnh ly tán gia đình và chia rẽ sâu sắc. Mọi liên lạc dân sự giữa hai miền đều bị cấm, để lại nỗi đau kéo dài suốt hàng chục năm. Ông Kim Kwang-ho là một trong số những người như vậy.

Vào thời điểm cuối năm 1950, khi nghe tin quân đội Triều Tiên chuẩn bị kéo xuống ngôi làng ở cực bắc vùng Myongchon, cha của Kim Kwang-ho đã quyết định mang theo 4 đứa con lớn bỏ trốn. Kim Kwang-ho khi đó 13 tuổi còn em trai Kwang-il của ông mới 9 tuổi. Kwang-ho đã đi theo cha, trong khi Kwang-il ở lại với mẹ.

“Khi đó chúng tôi nghĩ rằng sẽ chỉ đi 3 ngày hoặc cùng lắm là một tuần rồi sẽ về nhà, do vậy phụ nữ và những đứa bé đã ở lại làng để chăm sóc nhà cửa”, Kwang-ho nhớ lại.

Vì nghĩ rằng sẽ sớm trở về nhà nên những người bỏ trốn như cha con Kwang-ho không mang theo bất kỳ đồ đạc gì. Kwang-ho cũng không kịp gửi lời chào tạm biệt tới mẹ và em trai.

Sau khi đi bộ vài trăm km trong thời tiết mùa đông giá lạnh và chỉ duy nhất một lần tình cờ được đi nhờ xe, cha con Kwang-ho cũng đi xuống vùng lãnh thổ phía nam sau vài tuần. Cuối cùng họ cũng được đưa vào nhóm 100.000 người tị nạn trong chiến dịch sơ tán Hungnam - một trong những chiến dịch giải cứu dân sự lớn nhất của quân đội Mỹ. Cha mẹ của đương kim Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng được cứu trong đợt sơ tán này.

“Khi tôi lên tàu, tôi mới nhận ra rằng tôi sẽ không bao giờ có thể quay trở lại (Triều Tiên)”, ông Kwang-ho nhớ lại.

Ngày đoàn tụ

Giọt nước mắt của những người đàn ông sau nhiều năm xa cách trong cuộc đoàn tụ Hàn - Triều (Ảnh: Getty)
Giọt nước mắt của những người đàn ông sau nhiều năm xa cách trong cuộc đoàn tụ Hàn - Triều (Ảnh: Getty)

Ở tuổi 81, ông Kwang-ho là một trong số ít những người đang sinh sống tại Hàn Quốc có cơ hội tới khu nghỉ dưỡng Núi Kumgang nổi tiếng của Triều Tiên vào tuần tới trong chuyến đoàn tụ kéo dài 3 ngày để gặp lại những người thân từ Triều Tiên.

Kể từ năm 2000, Triều Tiên và Hàn Quốc đã tổ chức khoảng 20 đợt đoàn tụ. Tuy nhiên, vấn đề thời gian ngày càng trở nên cấp bách hơn khi nhiều người bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên nay đã ở độ tuổi gần đất xa trời. Năm nay cũng là lần đầu tiên trong 3 năm Hàn Quốc và Triều Tiên mới tổ chức trở lại chương trình đoàn tụ trong bối cảnh quan hệ song phương đang ngày càng được cải thiện.

Ban đầu, có tới hơn 130.000 người Hàn Quốc đăng ký tham gia chương trình đoàn tụ để gặp lại người thân ở Triều Tiên. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ đã qua đời. Những người còn sống đều đã ở độ tuổi ngoài 80 và người già nhất năm nay đã 101 tuổi.

Khả năng kết nối giữa những người có quan hệ huyết thống gần gũi như giữa anh chị em ruột với nhau hay giữa cha mẹ với con ruột ở hai miền Triều Tiên ngày càng khan hiếm hơn do vấn đề tuổi tác. Một số người ban đầu đã được chọn để tham gia chương trình đoàn tụ năm nay, nhưng rốt cuộc họ đã xin rút lui khi biết tin cha mẹ và anh chị em ruột không còn sống và họ chỉ được gặp những người họ hàng xa.

“Tôi rất vui khi nghe tin em trai tôi vẫn còn sống”, ông Kwang-ho nói mặc dù ký ức về tuổi thơ trong ông đã mờ dần theo thời gian.

Đối với Kwang-ho, nỗi đau chia cắt chưa bao giờ nguôi ngoai và mỗi khi nhớ về người mẹ mà ông chưa từng một lần gặp mặt trong suốt hàng chục năm qua, ông lại nấc nghẹn. Kwang-ho vẫn nhớ rằng mẹ ông đã khóc khi một trong số các anh em của ông bị chết trong chiến tranh.

“Chắc hẳn có vấn đề gì đó với đầu của tôi vì tôi không thể nhớ nổi mẹ tôi trông như thế nào”, ông Kwang-ho chia sẻ.

Sau khi rời khỏi Triều Tiên, cha con ông Kwang-ho đã xây dựng cuộc sống mới tại Hàn Quốc và gia đình họ bây giờ rất đông đúc, thành đạt. Tuy vậy, cha của Kwang-ho và các anh lớn của ông, những người đều đã qua đời, chưa bao giờ nhắc lại những người thân bị bỏ lại tại Triều Tiên.

“Nói về chuyện đó chỉ khiến mọi người buồn thêm. Vì thế chúng tôi đã chôn chặt trong tim mình”, ông Kwang-ho cho biết.

Mặc dù gần 70 năm đã trôi qua và bản thân cũng không còn giữ nhiều ký ức về người thân ở bên kia biên giới, song Kwang-ho vẫn tin rằng ông có thể nhận ra ngay lập tức ai là người thân của mình khi tham gia sự kiện đoàn tụ vào tuần tới.

“Chúng tôi có chung dòng máu vì thế tôi nghĩ chúng tôi sẽ nhận ra những nét giống nhau trên gương mặt ngay từ cái nhìn đầu tiên”, Kim Kwang-ho nói.

Trong chuyến đoàn tụ lần này, ông Kwang-ho và em trai sẽ có khoảng 10 giờ đồng hồ gặp mặt để bù đắp cho hàng chục năm sống xa nhau. Kwang-ho vẫn chưa nghĩ tới khoảnh khắc ông sẽ phải chia tay người em của mình thêm một lần nữa và đây rất có thể sẽ là lần gặp cuối cùng của họ. Kwang-ho cũng nhớ về người chị gái đã mất cách đây 12 năm.

“Nếu chị ấy ở đây, tôi có thể chia sẻ với chị ấy những gì mà tôi đang cảm nhận vì không ai có thể hiểu được điều đó”, Kwang-ho nói, đồng thời cho biết không người con nào của ông từng trải qua những năm tháng chiến tranh và họ cũng không biết bất kỳ điều gì về đất nước Triều Tiên - quê hương của cha họ.

Thành Đạt

Theo AFP