1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phi hạt nhân hóa Triều Tiên: Nỗ lực không của riêng ai

(Dân trí) - Nhiều đời tổng thống Mỹ và Hàn Quốc đã xoay sở tìm các biện pháp để thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, song đây vẫn là bài toán nan giải khi mỗi bên đều có những tính toán lợi ích của riêng mình.

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp mặt tại Singapore hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp mặt tại Singapore hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters)

Theo Yonhap, máy bay chở Tổng thống Moon Jae-in và phái đoàn Hàn Quốc sẽ di chuyển từ sân bay Seoul tới sân bay Bình Nhưỡng vào 10 giờ sáng 18/9 (theo giờ địa phương). Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đón ông Moon Jae-in tại sân bay. Sau lễ đón tiếp, phái đoàn Hàn Quốc sẽ ăn trưa trước khi hai nhà lãnh đạo hội đàm lần đầu tiên. Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo sẽ tham dự chương trình nghệ thuật biểu diễn và tiệc tối do ông Kim Jong-un chủ trì.

Trong ngày 19/9, hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục hội đàm vào buổi sáng. Phụ thuộc vào kết quả hội đàm, một tuyên bố thượng đỉnh liên Triều có thể được công bố vào buổi chiều. Ông Moon Jae-in có thể sẽ tới thăm một số địa điểm nổi tiếng tại Bình Nhưỡng trước khi dự tiệc tối chia tay. Tổng thống Hàn Quốc dự kiến sẽ rời Triều Tiên vào sáng ngày 20/9.

Vào sáng mai 18/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ có chuyến bay tới Bình Nhưỡng để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trong khi đó, Mỹ và Triều Tiên cũng đang chuẩn bị tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Những diễn biến này chắc hẳn đã làm dấy lên nhiều hy vọng về triển vọng tươi sáng của các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tiếp nối những động lực từ hàng loạt hội nghị thượng đỉnh song phương giữa các nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn - Triều từ đầu năm nay.

Tuy vậy, theo nhà báo Chon Shi-yong của Korea Herald, một giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân vốn đe dọa an ninh và ổn định khu vực trong suốt 1/4 thế kỷ sẽ không thể thể diễn ra nhanh chóng và dễ dàng. Những câu chuyện lịch sử, bao gồm cả những diễn biến xảy ra trước và sau cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều tại Singapore hồi tháng 6, đã cho thấy phần nào tương lai của tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa.

Có thể kể tới một số dấu hiệu cho thấy những khó khăn trên con đường xóa bỏ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, như việc Tổng thống Trump từng bất ngờ hủy kế hoạch gặp mặt nhà lãnh đạo Kim Jong-un dù hai bên đã chuẩn bị từ trước, việc ông Trump hủy chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng gần đây, và quan trọng hơn cả là việc ông Kim Jong-un không thực hiện đúng các cam kết phi hạt nhân hóa mà ông từng đưa ra trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ.

Mỹ và Triều Tiên cho đến nay vẫn ở trong trạng thái bế tắc khi không tìm thấy tiếng nói chung về việc cần làm gì trước để đảm bảo lợi ích của cả hai. Trong khi chính quyền Kim Jong-un muốn tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) trước vì coi đây là biện pháp để bảo đảm an ninh quốc gia, điều Mỹ chờ đợi là Bình Nhưỡng cần có các bước đi cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa như đã cam kết. Đây không phải là diễn biến mới trong lịch sử chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Vòng luẩn quẩn của cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên bắt đầu từ năm 1993 khi Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước chống phổ biến vũ khí. Một mô-típ quen thuộc là Triều Tiên tiến hành những động thái khiêu khích, sau đó tìm kiếm sự nhượng bộ trên bàn đàm phán trước khi làm chệch hướng các cuộc đối thoại và “nuốt lời”. Trong lúc đàm phán, Triều Tiên vẫn tiếp tục nâng cao năng lực tên lửa và hạt nhân của mình.

Hai thỏa thuận quan trọng trong quá khứ được xem là bằng chứng rõ rệt cho mô-típ trên của Triều Tiên là Thỏa thuận Khung 1994 giữa Mỹ và Triều Tiên, và Đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên năm 2007. Trong cả hai lần, các nước đều đồng ý cung cấp viện trợ về kinh tế và năng lượng cho Triều Tiên để đổi lấy việc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, cả hai rốt cuộc đều đổ vỡ, trong khi Triều Tiên có thêm thời gian để tiến hành tổng cộng 6 vũ thử hạt nhân cũng như phát triển tên lửa có khả năng tấn công lục địa Mỹ.

Câu hỏi đặt ra là liệu đương kim lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có chọn con đường đi khác với cha và ông nội hay không?

Cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, người sáng lập đất nước Triều Tiên, đã nuôi tham vọng hạt nhân từ thập niên 1950 và xúc tiến chương trình vũ khí này từ sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Đây cũng là thời điểm Mỹ rút vũ khí hạt nhân khỏi Hàn Quốc.

Sau thế hệ của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, các lãnh đạo Kim Jong-il và Kim Jong-un đều duy trì chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên mặc dù vẫn tổ chức các hội nghị thượng đỉnh lịch sử với các tổng thống theo đường lối tự do của Hàn Quốc như ông Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun.

Vấn đề lòng tin

Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên ôm nhau trong các cuộc gặp vào năm 2018 (trái) và 2000 (phải) (Ảnh: BI)
Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên ôm nhau trong các cuộc gặp vào năm 2018 (trái) và 2000 (phải) (Ảnh: BI)

Trong suốt các cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cộng đồng quốc tế với sự dẫn dắt của Mỹ và Hàn Quốc, đều tham gia vào các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tuy nhiên theo nhận định của cây bút Chon Shi-yong, các nhà lãnh đạo Triều Tiên “chưa bao giờ” có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân và nhiều lần tìm cách thay đổi các cam kết.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần đây đã than phiền rằng Mỹ không tin tưởng vào các cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, mặc dù bản thân ông Kim đã có những động thái để thể hiện thiện chí như phá hủy một bãi thử hạt nhân và một cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa.

Tuy vậy, cộng đồng quốc tế vẫn nhớ tới vụ việc xảy ra vào năm 2008 khi ông Kim Jong-un mời truyền thông quốc tế tới đưa tin sự kiện phá hủy tháp làm mát tại bãi thử hạt nhân chính Yongbyon của Triều Tiên. Một năm sau đó, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai.

Vụ việc trên đã làm dấy lên nhiều hoài nghi về lời hứa của ông Kim Jong-un rằng Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân trong khi vũ khí hạt nhân được xem là “át chủ bài” của các chính quyền Bình Nhưỡng nhằm bảo vệ đất nước trước nguy cơ bị tấn công từ bên ngoài.

Để dập tắt tâm lý ngờ vực này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cần có những bước đi cụ thể, bao gồm việc công khai toàn bộ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời mở cửa cho phép cộng đồng quốc tế thị sát kho vũ khí này.

Vai trò nhà lãnh đạo

Một điều mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un cần nhớ là ông đang đối mặt với Tổng thống Donald Trump - một người rất khác so với các tổng thống Mỹ mà ông Kim Nhật Thành và ông Kim Jong-il từng gặp trước đây. Ông Kim Jong-un và cộng đồng quốc tế cần nghĩ đến khả năng ông Trump, người đang phải đối mặt với hàng loạt vụ lùm xùm trong nội bộ chính quyền, có thể sử dụng các vấn đề về đối ngoại như Triều Tiên để phục vụ cho lợi ích chính trị. Không ai có thể loại trừ khả năng ông Trump có những tính toán sai lầm và đưa ra quyết định vội vàng, từ đó dẫn tới thảm họa không chỉ với Triều Tiên mà cho cả thế giới.

Do vậy, vai trò của Tổng thống Moon Jae-in nên được coi trọng trong việc giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Trước đây, cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-sam chính là người đã thuyết phục cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton không ném bom bãi thử hạt nhân Yongbyon khi cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên lên đến đỉnh điểm vào năm 1994.

Là người ủng hộ mạnh mẽ việc hòa dịu với Triều Tiên, Tổng thống Moon đóng vai trò trung gian giúp kết nối hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và thúc đẩy các chương trình hòa giải với Bình Nhưỡng. Một điều may mắn nữa là Tổng thống Trump gần đây vẫn thường dành những lời “có cánh” cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên nên tận dụng những điều kiện thuận lợi này. Không giống ông Kim Jong-un, cả ông Trump và ông Moon đều có khoảng thời gian hạn chế trong nhiệm kỳ tổng thống và họ có thể sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ chính quyền trong nước nếu không đạt được tiến triển đáng kể trong mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên trong tương lai gần.

Ông Kim Jong-un muốn Triều Tiên phát triển kinh tế nhanh hơn Trung Quốc. Do vậy việc đầu tiên cần làm là ông cần có những biện pháp để giải giáp vũ khí, thay vì chỉ đưa ra những lời hứa hẹn.

Thành Đạt

Theo Straitstimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm