1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đàm phán bế tắc, Mỹ có thể “ra rìa” trong vấn đề Triều Tiên

(Dân trí) - Hàn Quốc và Triều Tiên có thể tự bắt tay nhau để ký hiệp ước hòa bình song phương nhằm chấm dứt chiến tranh Triều Tiên mà không cần tới vai trò của Mỹ, trong bối cảnh các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa đang có xu hướng bị đình trệ.

Từ trái qua phải: Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Moon Jae in (Ảnh: Sky)
Từ trái qua phải: Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Moon Jae in (Ảnh: Sky)

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không chỉ mong muốn một nền hòa bình với Triều Tiên. Ông còn hy vọng về một động lực ngoại giao và kinh tế giúp biến khu vực Đông Bắc Á đạt đến cấp độ liên kết như Liên minh châu Âu (EU).

Tuy vậy, nhà lãnh đạo Hàn Quốc vấp phải hai vấn đề: thứ nhất, ông chỉ có một nhiệm kỳ 5 năm để thực hiện mong muốn của mình và thứ hai, Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Hàn Quốc, có thể không cùng chung lý tưởng với ông.

Trong khi mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tiếp tục được cải thiện và Tổng thống Moon Jae-in dự kiến sẽ tới thăm Bình Nhưỡng vào tháng tới để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ dường như đang gặp trục trặc. Các cuộc đàm phán càng kéo dài, rạn nứt giữa Washington và Seoul càng tăng lên.

“Mọi chuyện chắc chắn sẽ trở nên phức tạp nếu chính sách ngoại giao bị đình trệ. Chắc chắn sẽ có những người ở Hàn Quốc giận dữ với Mỹ”, Oliver Hotham, chuyên gia tại hãng tư vấn Korea Risk Group, nhận định.

Tầm nhìn của Tổng thống Hàn Quốc

Trong bài phát biểu hồi tuần trước, Tổng thống Moon đã đặt ra một tầm nhìn tham vọng, không chỉ với bán đảo Triều Tiên mà còn với toàn khu vực. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc so sánh kế hoạch của ông với Cộng đồng Than Thép châu Âu - nền móng của Liên minh châu Âu ngày nay.

Nếu được triển khai, kế hoạch của Tổng thống Moon sẽ thay đổi đáng kể tình hình khu vực đồng thời kết nối nền kinh tế của Hàn Quốc và Triều Tiên. Ngoài ra, kế hoạch này cũng sẽ tạo ra sự kết nối giữa Hàn Quốc với phần còn lại của châu Á, từ đó mở ra những mối liên kết về cơ sở hạ tầng và thương mại với nhiều lợi ích.

Thay vì nhắc lại lời khen trước đây dành cho Tổng thống Donald Trump về vai trò của nhà lãnh đạo Mỹ trong việc đưa Triều Tiên tới bàn đàm phán, Tổng thống Moon đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thừa nhận rằng Hàn Quốc và Triều Tiên mới là những nước đóng vai trò chính trong các vấn đề liên quan tới bán đảo Triều Tiên.

“Sự phát triển trong quan hệ liên Triều không phải là kết quả từ sự tiến triển trong quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ, mà chính sự tiến bộ trong quan hệ liên Triều mới là động lực chính thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, Tổng thống Moon nói.

Nhận định của Tổng thống Moon có thể đúng, nhưng bất kỳ sự đình trệ nào trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên cũng có thể cản trở kế hoạch của Triều Tiên và Hàn Quốc. Truyền thông nhà nước Triều Tiên tuần trước đã cảnh báo rằng sự bế tắc trong các cuộc đàm phán với Mỹ đã biến sự kỳ vọng và niềm hy vọng trở thành sự mất kiên nhẫn và thất vọng.

Theo các chuyên gia Jeong-ho Roh và Adena Peckler tại Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý Hàn -Triều tại Đại học Columbia, quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc đang tồn tại những “rạn nứt tự nhiên”, trong đó Washington muốn đặt mục tiêu phi hạt nhân hóa cao hơn tất cả các mục tiêu khác, trong khi Seoul muốn tìm kiếm một cơ chế hòa bình mở rộng hơn.

Hiệp ước hòa bình song phương

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều ký tuyên bố chung tại Singapore hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters)
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều ký tuyên bố chung tại Singapore hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters)

Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, ngày 22/8 đã đăng bài xã luận khẳng định việc ký kết tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên là “nhiệm vụ không thể trì hoãn thêm được nữa”.

Trên danh nghĩa, cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chưa chấm dứt và thỏa thuận đình chiến được ký năm 1953 chỉ mang ý nghĩa tạm dừng các cuộc giao tranh giữa hai bên, song không được coi là một hiệp ước hòa bình mang tính ràng buộc về pháp lý.

Cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều thể hiện rõ rằng họ đang khao khát một hiệp ước hòa bình. Tổng thống Moon cũng hứa sẽ tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên vào cuối năm nay, có thể là trong chuyến đi của ông tới Triều Tiên vào tháng tới.

Mặc dù cơ chế hòa bình chính thức để kết thúc chiến tranh Triều Tiên cần có sự tham gia của cả Mỹ và Trung Quốc, hai bên từng tham gia vào cuộc chiến này, song các chuyên gia cho rằng không có lý do gì để ngăn cản Triều Tiên và Hàn Quốc tự tuyên bố kết thúc chiến tranh, hoặc tự ký hiệp ước hòa bình song phương.

Theo các quan chức ở Seoul, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đã đóng cửa nhiều trạm gác dọc khu phi quân sự liên Triều và đây là một phần trong tiến trình phi quân sự hóa khu vực biên giới vốn được vũ trang dày đặc trên bán đảo Triều Tiên.

Tiếp nối động thái trên, Hàn Quốc có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và thúc đẩy hợp tác kinh tế mạnh mẽ hơn với Triều Tiên theo kế hoạch mà Tổng thống Moon đã vạch ra. Theo hai chuyên gia Roh và Peckler, điều này sẽ đẩy Washington vào một tình thế khó xử.

“Mỹ có thể không công nhận hiệp ước hòa bình song phương (Hàn - Triều) là một văn kiện hợp pháp chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, hoặc Mỹ cũng có thể ngăn Hàn Quốc ký vào hiệp ước này”, Roh và Peckler nhận định.

Nếu Hàn Quốc tự bắt tay với Triều Tiên ký hiệp ước hòa bình mà không “đếm xỉa” tới Mỹ, sự tách biệt giữa Seoul và cộng đồng quốc tế sẽ ngày càng nới rộng ra và Triều Tiên sẽ tự đóng vai trò trung tâm trong tiến trình xây dựng một hiệp ước hòa bình được cả thế giới công nhận mà không cần đến Mỹ.

Mong muốn hợp tác kinh tế với Triều Tiên của Hàn Quốc bắt nguồn từ lập trường của Tổng thống Moon rằng sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho Bình Nhưỡng, mà chính Seoul cũng được hưởng lợi. Trong bài phát biểu hồi tuần trước, ông Moon đã trích dẫn kết quả nghiên cứu cho thấy hợp tác kinh tế liên Triều có thể đạt giá trị 150 tỷ USD trong vòng 30 năm tới.

Điều quan trọng nhất đối với Tổng thống Moon cũng như các doanh nghiệp ở Hàn Quốc khi hợp tác với Triều Tiên là mạng lưới tàu hỏa liên kết giúp chấm dứt sự cô lập về địa lý của Hàn Quốc và kết nối Hàn Quốc với Trung Quốc cũng như các nước khác trong khu vực.

Thành Đạt

Tổng hợp