1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phép thử quan trọng cho "người gỡ rối" nút thắt đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều

(Dân trí) - Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào tuần tới dường như sẽ là phép thử quan trọng cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm giải đáp những hoài nghi rằng liệu ông có thể hoàn thành vai trò người bắc cầu, gỡ nút thắt cho cuộc đàm phán hạt nhân đang bế tắc giữa Mỹ và Triều Tiên hay không.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 hồi tháng 5 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 hồi tháng 5 (Ảnh: Reuters)

Ngày 18/9, Tổng thống Moon dự kiến sẽ tới Bình Nhưỡng để tham gia cuộc gặp thượng đỉnh lần 3 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đang bị đình trệ do nguyên nhân từ cả 2 phía và giới quan sát dấy lên quan ngại về việc liệu Triều Tiên có nghiêm túc trong việc phi hạt nhân hóa khu vực như đã cam kết trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6 hay không.

Theo phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc, ông Trump hồi tuần trước đã đề xuất ông Moon hãy trở thành người chịu trách nhiệm “gỡ rối” cho đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng sau khi ông Trump hủy bỏ chuyến công du Triều Tiên của Ngoại trưởng Mike Pompeo tháng trước.

Vì vậy, ông Moon dự kiến sẽ thảo luận với ông Kim về những phương pháp để đạt được mục tiêu ban đầu đề ra, cũng như phác thảo một kế hoạch nhằm vừa xây dựng một tiến trình phi hạt nhân hóa bền vững cho bán đảo, vừa thực hiện việc tuyên bố hoàn toàn chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Kế hoạch của Hàn Quốc có thể sẽ là kêu gọi Bình Nhưỡng công khai danh sách các cơ sở hạt nhân và tên lửa để các tổ chức quốc tế có thể xác nhận. Sau đó, Triều Tiên thậm chí có thể sẽ phá hủy các cơ sở này dưới sự chứng kiến của các thanh tra viên từ các tổ chức trên, Reuters trích một số nguồn thạo tin, cho biết.

Tiến trình đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington đã gặp khúc mắc trong vài tháng qua do 2 bên chưa thống nhất được lộ trình chi tiết rằng liệu Triều Tiên sẽ phải phi hạt nhân hóa trước, hay các bên phải tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh trước.

Hai miền Triều Tiên đã ngừng nổ súng năm 1953 bằng một hiệp định ngừng bắn. Vì vậy, về mặt kỹ thuật, Hàn-Triều vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh.

“Nút thắt trong đàm phán chính là việc cả 2 bên Mỹ-Triều cùng yêu cầu bên còn lại phải hành động trước và tôi nghĩ chúng ta có thể hoạt động như trung gian nhằm tìm hướng đi để tháo gỡ tình trạng trên”, ông Moon Jae-in phát biểu tại một cuộc họp với các cố vấn ngày 13/9.

Theo Reuters, Hàn Quốc hiện đang “nuôi” hy vọng về một viễn cảnh khả quan nhất là sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói với một đặc phái viên của ông Moon hồi tuần trước rằng Triều Tiên muốn phi hạt nhân hóa trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, tức là đến đầu năm 2021.

Thêm vào đó, phía Bình Nhưỡng lại tiếp tục có một động thái tích cực bằng việc đề nghị gặp thượng đỉnh lần 2 với ông Trump qua một lá thư tay “ấm áp, tích cực” gửi cho Tổng thống Mỹ.

“Mỹ muốn một tiến trình cụ thể và rõ ràng trong khi Triều Tiên dường như muốn tránh đi việc này và đơn phương gọi một số động thái họ thực hiện là phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, những hành động này của Triều Tiên lại không được như kỳ vọng của Mỹ. Nếu ông Moon có thể giúp cho 2 bên cùng đồng thuận tiến tới một tiến trình khung, thì đó có thể là một thành công cho quá trình đàm phán sau này. Nhưng đây là một nhiệm vụ rất khó khăn”, ông Cho Tae-yong, cựu phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc, nhận định.

Những thách thức

Ông Kim Jong-un và ông Donald Trump tại hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters)
Ông Kim Jong-un và ông Donald Trump tại hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters)

So sánh với 2 kỳ thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 4 và tháng 5, hai nhà lãnh đạo Hàn-Triều hiện đang chịu áp lực không nhỏ về việc phải tạo ra được một tiến triển đáng ghi nhận.

Về phía Triều Tiên, họ yêu cầu Mỹ phải đảm bảo an ninh là điều kiện then chốt để giải trừ vũ khí và việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh là một trong những yếu tố quan trọng cho việc này. Mỹ, mặt khác, nói rằng họ đã có những động thái nhượng bộ, bao gồm việc dừng tập trận chung với Hàn Quốc.

“Với Mỹ, họ dường như thiếu đi niềm tin với Triều Tiên để có thể công bố chấm dứt chiến tranh khi Bình Nhưỡng chỉ cam kết sẽ công bố danh sách các cơ sở hạt nhân. Còn với Triều Tiên, việc công khai bản danh sách này là cái giá quá đắt cho việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Bình Nhưỡng cho rằng, việc tuyên bố này chỉ đơn giản là ký vào một tờ giấy”, Reuters trích một nguồn tin ngoại giao ẩn danh, cho biết.

Chuyên gia Frank Aum tại viện Hòa Bình Mỹ (Washington) cho rằng ông Moon cần phải tạo áp lực cho Triều Tiên nhằm buộc họ đưa ra những bước đi cụ thể, ví dụ như dừng việc sản xuất tên lửa và vũ khí hạt nhân trong bối cảnh Bình Nhưỡng bị nghi là vẫn tiếp tục hoạt động này.

Trong khi đó, nhà quan sát Shin Beom-chul của Viện nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc) cho rằng việc đặt ra thời hạn để các bên thực hiện các hành động theo cam kết cũng là một trong những yếu tố then chốt. Ví dụ như Triều Tiên có thể cam kết bàn giao danh sách cơ sở hạt nhân vào tháng 11, đổi lấy việc các bên sẽ tuyên bố chấm dứt chiến tranh vào tháng 12 và Triều Tiên sẽ mời các thanh sát viên quốc tế kiểm tra vào năm 2019. Ông Shin cho rằng việc đặt ra các mục tiêu cụ thể sẽ tốt hơn là những cam kết chung chung, trừu tượng và không có ràng buộc rõ ràng.

Khởi sắc trong quan hệ liên Triều

Theo Reuters, tại thượng đỉnh lần 3, hai nhà lãnh đạo liên Triều có thể sẽ đánh giá tiến triển trong việc thực hiện tuyên bố chung Bàn Môn Điếm ký hồi cuối tháng 4 trong việc cải thiện quan hệ giữa 2 miền và giảm bớt căng thẳng quân sự.

Ngày hôm nay, 14/9, hai miền đã chính thức khánh thành trung tâm thông tin ở khu phi quân sự ở phía Triều Tiên. Cơ quan này sẽ đóng vai trò như là sứ quán chung của 2 miền trên danh nghĩa. Ngoài ra, hai miền đang bàn thảo về việc kết nối lại đường bộ và xe lửa, cũng như giảm bớt hiện diện quân sự tại 2 phía biên giới.

Ngoài mục đích trở thành cầu nối, ông Moon dường như còn đến hội nghị thượng đỉnh lần 3 với ông Kim bằng một tâm thế khác, đó chính là tiếp tục cải thiện quan hệ với Triều Tiên.

Các quan chức Hàn Quốc đã kêu gọi các lãnh đạo doanh nghiệp nước này cùng tháp tùng ông Moon sang Triều Tiên lần này để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, các lãnh đạo cũng quan ngại rằng với những lệnh trừng phạt như hiện tại của cộng đồng quốc tế, sẽ rất khó để họ có thể triển khai các hoạt động hợp tác thương mại.

Mặc khác, giới quan sát cũng lo ngại rằng, sự nồng ấm hơn trong quan hệ Hàn Triều có thể sẽ gây trở ngại trong chiến lược gây áp lực tối đa mà chính quyền Tổng thống Trump vẫn đang áp dụng lên Bình Nhưỡng để họ từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Đức Hoàng

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm