Nơi an toàn của giới tài phiệt Nga giữa "bão" trừng phạt bủa vây
(Dân trí) - Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) trở thành một điểm đến với giới tài phiệt Nga giữa lúc họ đang bị áp hàng loạt lệnh trừng phạt vì Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trải dài ra Vịnh Ba Tư từ những bãi biển và những tòa nhà chọc trời của Dubai là một quần đảo nhân tạo với hình dáng của một cây cọ. Trên đó là những khách sạn, căn hộ và biệt thự sang trọng.
Theo New York Times, trong số những người sở hữu các bất động sản này, có những người thuộc nhóm tài phiệt và giới tinh hoa của Nga. Tờ báo Mỹ nói rằng, có ít nhất 38 doanh nhân hoặc nhân vật được xem có liên hệ với Kremlin sở hữu các căn hộ với tổng trị giá khoảng 314 triệu USD. Có 6 người trong số đó đang nằm trong danh sách bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt. Một tài phiệt đối diện với lệnh trừng phạt đã đưa du thuyền của ông này tới Dubai. New York Times cho biết, họ có thể được xem là những người "may mắn".
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên các thực thể và cá nhân được cho có quan hệ với Kremlin. Thậm chí, các quốc gia nổi tiếng với hệ thống ngân hàng bí mật như Thụy Sĩ, Monaco, Cayman Islands cũng bắt đầu đóng băng tài sản của các tài phiệt Nga, cũng như tịch thu dinh thự và du thuyền của họ.
Nhưng Dubai là một ngoại lệ. Dù UAE là đối tác gần gũi với Mỹ trong vấn đề an ninh ở Trung Đông, vùng đất giàu có này từ nhiều năm nay cũng chào đón sự xuất hiện của các tài phiệt Nga.
UAE nói riêng và một số đồng minh của Mỹ ở Trung Đông nói chung đang thực thi cách tiếp cận thận trọng với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Dù Mỹ đã gia tăng áp lực để các nước này trừng phạt Nga, nhưng họ bày tỏ quan điểm ưu tiên cho mối quan hệ với Moscow - một trong những đối tác quan trọng của họ.
Tại Dubai, người Nga cho biết họ khá hài lòng với sự hiếu khách của người dân nơi đây. Một doanh nhân Nga ẩn danh cho biết, nơi này vẫn tiếp nhận hộ chiếu và tiền Nga như bình thường, trái ngược với nhiều nơi trên thế giới. "Người Nga ở Dubai không gặp phải vấn đề gì cả", doanh nhân trên cho hay.
Một doanh nhân Ả Rập cho thuê các căn hộ được trang bị nội thất cao cấp ở Dubai đã mô tả "nhu cầu đáng kinh ngạc" từ người Nga kể từ khi chiến dịch quân sự của Moscow bắt đầu, với một gia đình thuê vô thời hạn căn hộ 3 phòng ngủ với giá 15.000 USD/tháng và hơn 50 cá nhân hoặc gia đình khác đang tìm kiếm chỗ ở.
Chính sách trung lập
Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Nâng cao (Mỹ), nói rằng họ ước tính các nhân vật có quan hệ với ông Putin hiện đang sở hữu ít nhất 76 bất động sản ở Dubai. Trong khi đó, dữ liệu hàng hải cho thấy, những ngày gần đây, du thuyền của tài phiệt bị trừng phạt Andrei Skoch đã cập cảng Dubai.
Máy bay Bombardier của tỷ phú Nga Arkady Rotenberg - một người cũng nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây, cũng đã tới Dubai cuối tuần qua. Trong khi đó, theo New York Times, du thuyền của ít nhất 3 tài phiệt Nga đang đậu ở Dubai.
Giới quan sát nhận định, Nga trong những năm qua đã âm thầm xây dựng quan hệ gần gũi với UAE cũng như các quốc gia Ả rập có xu hướng thân phương Tây. Điều này được xem là nguyên nhân mà nhiều nước Trung Đông vẫn đang giữ thái độ trung lập với căng thẳng Nga - phương Tây.
Ả rập Xê út đã từ chối đề nghị của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc thực hiện các biện pháp nhằm hạ giá dầu vốn tăng vọt do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra. Riyadh vẫn thực hiện đúng với thỏa thuận về sản lượng mà họ đã cam kết với Nga trong tổ chức OPEC+, vốn để điều chỉnh nguồn cung trên thị trường dầu thế giới.
UAE cũng có lời từ chối với đề nghị tăng sản lượng dầu từ Mỹ, trong khi Ai Cập không đưa ra chỉ trích về chiến dịch quân sự của Nga, đồng thời "gật đầu" cho Moscow vay 25 tỷ USD để tài trợ cho một nhà máy điện hạt nhân.
"Mỹ có kỳ vọng rằng Ả rập Xê út sẽ tham gia vào việc trừng phạt Nga ngay lập tức. Nhưng Riyadh không thể phá hủy quan hệ với Nga chỉ để làm hài lòng Nhà Trắng", Ali Shihabi, một nhà phân tích chính trị của Ả rập Xê út nhận định.
"Nếu chúng tôi không vi phạm luật pháp quốc tế, thì không ai nên đổ lỗi cho UAE hay mọi quốc gia nào khác vì cố gắng thu hút bất cứ ai đến một cách hợp pháp", Abdulkhaleq Abdulla, nhà phân tích chính trị UAE, cho hay.