1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những tính toán và ngờ vực đằng sau cuộc hội đàm lịch sử Mỹ - Triều Tiên

(Dân trí) - Trong cuộc hội đàm lịch sử giữa Washington và Bình Nhưỡng dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới, giới quan sát cho rằng cả Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản đều có những tính toán và mục đích cũng như những mối nghi kị riêng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: GOP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: GOP)

Ngày 9/3 đã đánh dấu một bước tiến trong mối quan hệ Mỹ- Triều Tiên khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận lời mời của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham gia cuộc hội đàm thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tháng 5. Sau nhiều tháng công kích lẫn nhau, hai bên cũng đã đồng ý ngồi lại để tháo gỡ vướng mắc liên quan tới cuộc khủng hoạt hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

“Lá bài” đàm phán đã được lật, nhưng cách sử dụng “lá bài” này của các bên liên quan vẫn là câu hỏi lớn. Gần 10 ngày trôi qua, nhưng truyền thông Triều Tiên vẫn im lặng về cuộc gặp này. Giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên muốn chắc chắn rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra trước khi công bố rộng rãi, vì nội dung của hội đàm về vấn đề phi hạt nhân hóa, một vấn đề quan trọng tại Bình Nhưỡng.

Các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng đang mong muốn gia tăng vị thế trong mối quan hệ với Washington. Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa của họ ngoài sức mạnh răn đe, còn có tác dụng trong việc đưa họ lên ngang hàng với Mỹ, ít nhất là trong cuộc hội đàm song phương sắp tới. Vì vậy, giới quan sát nhận định, ông Kim Jong-un không thể từ bỏ chương trình hạt nhân chỉ sau một vài cuộc hội đàm, mà ông có thể sẽ cân nhắc kéo dài thời gian ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa để đạt được một số thỏa thuận hay nhượng bộ từ phía Mỹ.

Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in dường như theo đuổi chính sách đối ngoại riêng với Triều Tiên kể từ khi nhậm chức vào năm ngoái. Seoul đang đứng ở vị trí trung tâm giữa Washington và Bình Nhưỡng. Chính quyền ông Moon đã thành công khi chuyển quan hệ Mỹ - Triều Tiên từ đối đầu qua đối thoại, ít nhất là trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, điều này sẽ đẩy Hàn Quốc vào một áp lực mới, rằng họ sẽ phải đạt được một thành tựu gì đó liên quan tới tiến trình phi hạt nhân hóa trong cuộc hội đàm liên Triều sắp tới, và hy vọng kết quả khả quan trong cuộc đàm phán Mỹ- Triều Tiên. Nếu không, nỗ lực hơn 1 năm qua của chính quyền ông Moon sẽ trở nên không có nhiều ý nghĩa và có thể dẫn tới tình trạng bán đảo Triều Tiên xấu đi.

Ở phía Mỹ, Tổng thống Trump đã sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson và đưa cựu giám đốc CIA Mike Pompeo lên thay. Ông Pompeo vốn có mối quan hệ tốt với người đứng đầu cơ quan tình báo Hàn Quốc Suh Hoon, người sẽ tham gia cuộc hội đàm liên Triều vào tháng 4 tới. Ông Pompeo dường như tỏ ra lạc quan về kết quả cuộc hội đàm, rằng “sức mạnh siêu cường” của Mỹ có thể hóa giải tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nếu cuộc hội đàm thực sự có kết quả khả quan, đây sẽ là “đòn bẩy” cho uy tín của ông Trump trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 sắp tới, nhất là trong bối cảnh tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Trump và đảng Cộng Hòa đang có dấu hiệu sụt giảm.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: KCNA)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: KCNA)

Tính toán của các bên còn lại

Trung Quốc thể hiện quan điểm ủng hộ với cuộc hội đàm giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này cũng sẽ làm Trung Quốc kém vui, vì vai trò của họ trong vấn đề Triều Tiên đã bị giảm sút, nhất là khi ông Trump từ trước tới nay luôn coi Bắc Kinh là “quân cờ” chủ chốt nhằm tháo gỡ vướng mắc về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Về phía Nga, giới quan sát nhận định Moscow có thể muốn nâng cao vai trò của mình trên bán đảo Triều Tiên bằng việc đứng ra làm trung gian, hoặc đề nghị tổ chức hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ở thành phố Vladivostok. Tuy nhiên, điều này rất khó để có thể xảy ra vì với tình hình căng thẳng hiện tại, việc tổng thống Mỹ tới Nga không phải là một ý kiến hay, ít nhất là với Washington.

Nhật Bản dường như là bên ít hào hứng và tỏ rõ thái độ hoài nghi nhất với cuộc gặp của ông Kim và ông Trump. Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe có cơ sở để làm vậy vì họ dường như lo ngại rằng việc Mỹ muốn đạt được thành tựu ngoại giao với Triều Tiên có thể sẽ làm suy yếu mối quan hệ đồng minh giữa 2 nước. Tháng 4 tới, ông Abe sẽ có chuyến công du chính thức Mỹ và ông có thể là nhà lãnh đạo nước ngoài cuối cùng hội đàm với ông Trump trước khi Mỹ thương lượng với Bình Nhưỡng. Giới quan sát nhận định đây là dip để ông Abe xác nhận lại lập trường của Mỹ trong mối quan hệ liên minh với Tokyo.

Tuy không mấy lạc quan về viễn cảnh phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên “một sớm, một chiều”, song giới chuyên gia cho rằng Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được một số thành tựu như một biên bản ghi nhớ về việc Triều Tiên thử lên lửa, vũ khí hạt nhân, hay 2 bên cùng nhượng bộ trong một số vấn đề liên quan tới việc tập trận trong khu vực, hoặc thiết lập kênh liên lạc giữa trực tiếp giữa quân đội Washington và Bình Nhưỡng. Đây là một số những bước đi nhỏ, nhưng hiệu quả nhằm giúp tình hình khu vực ổn định, tránh đẩy căng thẳng leo thang như trước đây.

Đức Hoàng

Theo SCMP