Những người hâm mộ Triều Tiên và Chủ tịch Kim Jong-un
(Dân trí) - Hiệp hội Hữu nghị Triền Tiên (KFA) là mạng lưới quốc tế có trụ sở tại nhiều nước trên thế giới, bao gồm những người ủng hộ chế độ Bình Nhưỡng và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chuẩn bị gặp thượng đỉnh lần 2 ngày 27-28/2 tại Hà Nội, anh Airul Quaiz, 26 tuổi, người Singapore, theo dõi rất sát sao các hoạt động có liên quan.
Airul là lãnh đạo 1 tổ chức 50 thành viên, là chi nhánh Singapore của hiệp hội Hữu nghị Triền Tiên (KFA). Đây là mạng lưới quốc tế tập hợp những người ủng hộ Triều Tiên và Chủ tịch Kim Jong-un. Họ tuyên bố rằng họ có mối liên hệ trực tiếp với Bình Nhưỡng.
KFA do Alejandro Cao de Benós, một công dân Tây Ban Nha, lãnh đạo. Họ tuyên bố có 120 tổ chức thành viên trên toàn thế giới, mặc dù trang web chính thức của KFA cho thấy họ chỉ khoảng hơn 30 chi nhánh tại các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, Đức và Thái Lan.
Các chi nhánh tổ chức các hoạt động chiếu phim, tuần hành, các buổi tọa đàm để bàn luận về tư tưởng Xã hội Chủ nghĩa tự lực cánh sinh mà Triều Tiên đang theo đuổi.
Airul cho biết anh kỳ vọng cuộc họp thượng đỉnh tuần tới sẽ hướng tới những mục tiêu dài hơi hơn như là Triều Tiên sẽ đoàn tụ với Hàn Quốc và chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đã kéo dài về mặt kỹ thuật hàng chục năm qua.
Khi được hỏi vì sao anh có hứng thú với hệ tư tưởng của Triều Tiên, Airul cho biết chế độ của Bình Nhưỡng nhằm mục tiêu “phát triển đất nước và cung cấp cho người dân”. Airul từng tới thăm Triều Tiên 3 lần.
Bình luận về những thông tin tiêu cực liên quan tới Triều Tiên, Airul cho rằng đây là chiến lược của các phương tiện truyền thông tự do nhằm hạ thấp uy tín của nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng.
Dermot Hudson, người lãnh đạo chi nhánh KFA tại Anh, đồng tình với quan điểm trên, và cho rằng những báo cáo tiêu cực về Triều Tiên đã bị thêu dệt.
Tấm băng rôn chào mừng cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại một nhà hàng ở Hà Nội (Ảnh minh họa: EPA-EPE)
Trong khi đó, Trevor Spencer, lãnh đạo KFA tại Canada mô tả Chủ tịch Kim Jong-un là “người vì mọi người”. Spencer, cựu đảng viên đảng Cộng sản Canada, cho biết: “Bạn có thể đọc tin tức trên báo chí Triều Tiên rằng ông ấy tới các ngôi làng, bệnh viện, nhà máy ở khắp mọi nơi, giao lưu với mọi người, xem xét những điều họ muốn, những điều họ cần”.
KFA cho biết họ có liên hệ với Ủy ban Giao lưu văn hóa với quốc gia nước ngoài Triều Tiên, tổ chức có nhiệm vụ trao đổi văn hóa với thế giới bên ngoài.
Ông de Benos, lãnh đạo KFA thường mặc quân phục Triều Tiên, khẳng định rằng ông là “đại biểu đặc biệt” của Ủy ban Giao lưu văn hóa Triều Tiên. Ông khẳng định KFA là tổ chức không được bất cứ tổ chức hay chính phủ nào trả lương hay tài trợ và hoạt động vì mục tiêu đưa tới hình ảnh chân thật hơn về Triều Tiên với thế giới.
Đức Hoàng
Theo SCMP