1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên chuyển mình mạnh mẽ dưới thời ông Kim Jong-un

(Dân trí) - Văn hóa ở Triều Tiên có những thay đổi đáng kể theo xu hướng hội nhập nhiều hơn kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền vào cuối năm 2011.

tieu dung.PNG
Văn hóa tiêu dùng ở Triều Tiên có nhiều thay đổi. (Ảnh: AP)

 

Theo AP, những thay đổi này có thể nhận thấy ở mọi thứ, từ phim truyền hình đến văn hóa đóng gói hàng tiêu dùng. Nó cho thấy Triều Tiên đang ngày càng cởi mở hơn với văn hóa tiêu dùng phương Tây, điều khó nhận thấy dưới thời các bậc tiền nhiệm.

"Điều quan trọng nhất với chúng tôi là tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đáng kính đã hướng dẫn chúng tôi học hopr các mẫu giày trên khắp thế giới", cô Kim Kyong-hui, hướng dẫn viên nhà máy giày Ryuwon, ở Bình Nhưỡng cho biết tại một phòng trưng bày sản phẩm của nhà máy với hàng chục mẫu giày thể thao, bóng chuyển, bóng đá và thậm chí là tennis.

Triều Tiên vẫn là một trong những quốc gia khép kín nhất thế giới. Những thay đổi diễn ra một cách thận trọng, nhưng dường như dưới thời ông Kim Jong-un, Triều Tiên đã sẵn sàng chuyển mình hơn ở nhiều khía cạnh.

Những thay đổi rõ nét nhất là các chương trình truyền hình hay chương trình ca ngợi lãnh tụ. Khán giả Triều Tiên cũng thay đổi dần thói quen xem truyền hình. Họ không còn chỉ xem những bộ phim lịch sử như "Những người hái nhân sâm thời chiến tranh Imjin" kể về cuộc đấu tranh của Triều Tiên chống Nhật Bản xâm lược cuối thế kỷ 16, mà còn theo dõi những bộ phim hoạt hình như "Cậu bé đại tướng". Bộ phim đang thu hút sự chú ý của khán giả Triều Tiên, do vậy, đến giờ phát sóng, họ gần như dừng mọi công việc để theo dõi.

Người dân Triều Tiên ngày càng trở nên quen thuộc hơn với văn hóa nhạc pop nước ngoài mặc dù xem phim Hàn Quốc, nghe nhạc Hàn Quốc vẫn bị cấm ở Triều Tiên. Phim Bollywood rất phổ biến tại Triều Tiên, trong khi Harry Potter là bộ truyện được yêu thích nhất trong thư viện lớn nhất của Triều Tiên. Giới thượng lưu ở Triều Tiên cùng quen thuộc hơn với các nhãn hàng như Dior, Sony thay vì chỉ dùng hàng rẻ tiền.

Geoffrey See, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Choson Exchange ở Singapore, nhận định: "Cách Triều Tiên tiếp cận truyền thông nước ngoài là hiện đại hóa các sản phẩm truyền thông để cung cấp sản phẩm có sức lôi cuốn và tính cạnh tranh nhằm phục vụ thế hệ trẻ hơn đã mất dần hứng thú với các sản phẩm cũ".

trieu tien.jpg

Triều Tiên luôn gắn liền nghệ thuật với chính trị. (Ảnh minh họa: KCNA)

 

Nỗ lực đầu tiên của ông Kim Jong-un nhằm đổi mới văn hóa nhạc pop nước nhà được cho là bắt đầu ngay từ khi ông lên nắm quyền vào cuối năm 2011 với việc lập ra ban nhạc Moranbong. Mặc dù thành viên của ban nhạc này vẫn là các quân nhân, song họ đã mang đến phong cách biểu diễn khác, diện những mẫu thời trang như váy ngắn với kiểu tóc hiện đại. Họ đã sáng tác nhiều bài hát, thực hiện các chuyến lưu diễn, ra DVD...
Hồi tháng 2 năm ngoái, Triều Tiên đã cử những nhạc sĩ hàng đầu, trong đó có một ban nhạc nữ trình diễn tại sự kiện Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc. Hai tháng sau đó, ông Kim đích thân xem chương trình biểu diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Red Velvet trong chương trình biểu diễn K-pop đầu tiên tổ chức ở Bình Nhưỡng.

Mặc dù vậy, ban nhạc quân đội và những ca sĩ biểu diễn trong trang phục truyền thống vẫn là nét chủ đạo của âm nhạc Bình Nhưỡng. Quan trọng hơn, Triều Tiên không tìm cách tách rời nghệ thuật và chính trị.

Minh Phương
Theo AP