1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những kịch bản có thể dẫn đến tính toán sai lầm của Mỹ và Triều Tiên

(Dân trí) - Cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên có xu hướng leo thang căng thẳng thời gian gần đây. Giới chuyên gia cảnh báo, một tính toán sai lầm nhỏ cũng có thể khiến cuộc khẩu chiến này trở thành một cuộc xung đột quân sự với những hậu quả khôn lường.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: AFP)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: AFP)

Đáp lại những cảnh báo “hủy diệt” Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho hồi đầu tuần này tuyên bố coi những phát ngôn đó là “lời tuyên chiến”.

Bình Nhưỡng cũng dọa bắn rơi các máy bay ném bom của Mỹ và coi đó là quyền “tự vệ”.

Giới chuyên gia cảnh báo, khẩu chiến căng thẳng này khiến nguy cơ dẫn đến những tính toán sai lầm của Mỹ và Triều Tiên do các bên hiểu lầm ý đối phương tăng cao nhất từ trước đến nay.

Washington Post dẫn ý kiến chuyên gia đã chỉ ra những con đường có thể dẫn tới những tính toán sai lầm đó.

Triều Tiên thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương


Triều Tiên tuyên bố có thể thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương. (Ảnh minh họa: Reuters)

Triều Tiên tuyên bố có thể thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương. (Ảnh minh họa: Reuters)

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuần trước tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ nhất nhằm vào Mỹ. Kế hoạch này, theo Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho, có thể là một vụ thử bom hạt nhân ở Thái Bình Dương.

Ý tưởng này giống của Nam Phi những năm 1980, chỉ có điều trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác.

Để gây sức ép với Mỹ, Nam Phi được cho là đã phát triển một kho vũ khí hạt nhân và đến năm 1989 hoàn thiện quả bom bằng uranium đã được làm giàu. Tuy nhiên kế hoạch thử bom nhiệt hạch được giữ kín cho đến khi Tổng thống Nam Phi F.W. de Klerk nhận nhiệm sở vào năm 1989 đã dập tắt chương trình hạt nhân và ý định này.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu Triều Tiên thực sự theo đuổi kế hoạch thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương, hậu quả sẽ rất khó lường. Đó có thể sẽ là “giọt nước làm tràn ly” dẫn đến việc Mỹ sẽ tấn công phủ đầu Triều Tiên.

Mỹ tìm cách bắn hạ tên lửa Triều Tiên


Một hệ thống tên lửa THAAD của Mỹ (Ảnh: BI)

Một hệ thống tên lửa THAAD của Mỹ (Ảnh: BI)

Kể từ những năm 1980, quân đội Mỹ đã dành khoảng 200 tỷ USD để phát triển năng lực bắn hạ tên lửa đạn đạo. Từ đó, Mỹ đã tạo ra các hệ thống phòng thủ tên lửa khác nhau trong đó có hệ thống đánh chặn tên lửa giữa hành trình (GMD) để hạ tên lửa liên lục địa, hay hệ thống Aegis và THAAD để tiêu diệt các tên lửa tầm ngắn.

Tuy nhiên việc bắn hạ tên lửa đối phương chưa bao giờ là dễ dàng, hệ thống GMD hiếm khi đánh chặn chính xác, trong khi Aegis và THAAD có kết quả thử nghiệm tốt hơn song chưa từng sử dụng trong điều kiện thực chiến.

Về lý thuyết, Mỹ có thể sử dụng THAAD, Aegis để bắn hạ tên lửa Triều Tiên qua Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu thất bại, nó sẽ khiến Mỹ bẽ mặt và mất dần niềm tin từ phía các đồng minh vốn được Washington cam kết đảm bảo an ninh.

Hơn nữa, nó cũng có thể kéo theo những tính toán sai lầm ở phía Triều Tiên nếu cho rằng động thái đánh chặn đó là một hành động tuyên chiến.

Những thông điệp không được hiểu trọn vẹn


Phát thanh viên Triều Tiên thông báo về một vụ thử tên lửa của nước này. (Ảnh: Reuters)

Phát thanh viên Triều Tiên thông báo về một vụ thử tên lửa của nước này. (Ảnh: Reuters)

Một trong những yếu tố có thể dẫn đến tính toán sai lầm nữa đó là hiểu không tới bản chất các tuyên bố của Triều Tiên. Giới chuyên gia cho rằng, các tuyên bố của Triều Tiên đều có logic, song bên ngoài có thể không hiểu hết thông điệp mà Bình Nhưỡng phát đi.

Hồi đầu tháng 8, Triều Tiên dọa sẽ khiến lửa bao trùm vùng biển quanh đảo Guam của Mỹ. Nói cách khác, Bình Nhưỡng không đe dọa tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của Mỹ, song thông điệp đó lại khiến không ít người hiểu rằng Triều Tiên có ý định tấn công trực tiếp vào Guam.

Điều quan trọng nhất là chính quyền Mỹ hiểu thông điệp đó như thế nào. Tuy vậy, những lo ngại của dư luận có thể dẫn đến tính toán sai lầm chiến lược ở phía Mỹ.

Nhà Trắng hoặc sẽ chịu sức ép hơn nữa để tìm kiếm giải pháp ngoại giao, hoặc theo chiều ngược lại là dùng biện pháp quân sự với Triều Tiên.

Những lời qua tiếng lại tuy khó có thể dẫn đến một cuộc xung đột hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên, song nó có thể khiến tình hình leo thang căng thẳng hơn nữa.

Minh Phương

Theo Washington Post