Lý do lá chắn của Mỹ “năm lần bảy lượt” làm ngơ trước tên lửa Triều Tiên
(Dân trí) - Mặc dù Triều Tiên đã 2 lần phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản sau nhiều vụ thử nghiệm trước đó, song các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và các đồng minh vẫn chưa một lần được kích hoạt để bắn hạ. Điều này làm dấy lên nhiều suy đoán về khả năng thực sự của các lá chắn này.
Trong những tháng gần đây, Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo để thử nghiệm hệ thống vũ khí của nước này, trong đó đáng chú ý là 2 vụ phóng ngày 29/8 và 15/9 khi tên lửa Triều Tiên bay thẳng qua lãnh thổ Nhật Bản.
Trong vụ phóng mới nhất ngày 15/9, tên lửa Triều Tiên đã bay xa 3.700 km từ bệ phóng ở gần thủ đô Bình Nhưỡng, qua đảo Hokkaido của Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương. Trong đó, tổng quãng đường tên lửa này bay qua Nhật Bản là 700 km và đã làm kích hoạt hệ thống báo động tại Hokkaido.
Vụ phóng ngày 15/9 cũng là lần đầu tiên tên lửa Triều Tiên bay được khoảng cách xa như vậy. Con số 3.700 km đã chứng minh rằng các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam hoàn toàn có thể nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Tuy nhiên, cũng giống như những lần trước đây, cả Mỹ và Nhật Bản đều không kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa sẵn có của cả hai nước và bắn hạ tên lửa Triều Tiên. Theo ông Will Saetren, nhà nghiên cứu chuyên về chính sách hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Mỹ - Trung, lý do duy nhất là cả Mỹ và Nhật Bản đều chưa đủ khả năng để làm được điều đó.
Năng lực hạn chế
Theo chuyên gia Will, năng lực của các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo do Mỹ và Nhật Bản phát triển rất hạn chế và gần như chỉ phát huy hiệu quả trong phạm vi hẹp tại những khu vực mà chúng được lắp đặt.
Vì các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên đều nhắm mục tiêu tới vùng biển phía đông Nhật Bản, nơi cách xa tầm hoạt động của các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Nhật Bản trong khu vực, do vậy khả năng các lá chắn này tiêu diệt thành công tên lửa Triều Tiên là gần như bằng không.
Chuyên gia Will đã chỉ ra vấn đề mấu chốt liên quan tới đường bay của tên lửa Triều Tiên trong các vụ thử. Vào thời điểm tên lửa bay qua Nhật Bản và đạt tới điểm xa nhất trên biển, nó đã ở cách tầm hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, vốn được triển khai trên các tàu chiến của Hải quân Mỹ tại bờ biển Nhật Bản, hàng trăm km.
Ở điểm rơi này, tên lửa Triều Tiên thậm chí còn vượt xa hơn rất nhiều so với tầm hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc cũng như ở đảo Guam.
Không chỉ có vậy, ngay cả hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Nhật Bản, vốn được thiết kế để đánh chặn tên lửa tầm trung trong giai đoạn cuối của quá trình bay, cũng “bất lực” trước tên lửa Triều Tiên.
Như vậy, giải pháp khả thi duy nhất để hệ thống phòng thủ tên lửa các nước có thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên là vị trí của hệ thống này phải được di chuyển gần nơi Triều Tiên phóng tên lửa. Cụ thể, các tàu chứa hệ thống Aegis của Mỹ phải được đặt ngay tại bờ biển của Triều Tiên.
Về lý thuyết, nếu được triển khai ở vị trí gần nơi Triều Tiên phóng tên lửa, Mỹ và các đồng minh hoàn toàn có thể hạ gục được tên lửa Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo ông Kingston Reif, giám đốc phụ trách chính sách giảm thiểu đe dọa và giải giáp vũ khí tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi Mỹ phải tính toán cực kỳ kỹ lưỡng để có thể triển khai các tàu không chỉ tới đúng vị trí mà còn phải đúng thời điểm.
Lá chắn không hoàn hảo
Nếu Mỹ có thể nắm được chính xác các thông tin về thời điểm phóng, vị trí phóng, đường bay cũng như mục tiêu mà tên lửa Triều Tiên nhắm đến thì việc bắn hạ là điều hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, đối với Washington, điều này không hề đơn giản. Ngay cả khi Mỹ có thể nắm được một số thông tin thông qua hoạt động tình báo, nước này cũng không thể biết hết tất cả.
Theo chuyên gia Will, ngay cả trong trường hợp các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đồng loạt vào cuộc và phát hiện chính xác tên lửa Triều Tiên, các hệ thống này cũng chưa chắc đã thành công trong việc bắn hạ.
Theo báo cáo được công bố năm 2016 của Văn phòng Giám đốc phụ trách thử nghiệm và đánh giá hoạt động tên lửa thuộc Lầu Năm Góc, các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ có năng lực “hạn chế” trong việc bảo vệ các khu vực thuộc quyền quản lý của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Bộ Tư lệnh châu Âu và Bộ tư lệnh trung tâm Mỹ trước mối đe dọa từ tên lửa tầm trung của đối phương (1.000-4.000 km), và có năng lực “trung bình” trong việc đối phó với các tên lửa tầm ngắn (thấp hơn 1.000 km).
Mặc dù trong các cuộc thử nghiệm, các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể có tỷ lệ thành công cao, nhưng còn rất lâu nữa mới có thể đạt tới cấp độ hoàn hảo.
Trên thực tế, cả THAAD và Aegis, 2 hệ thống phòng thủ tên lửa được thiết kế tương thích nhất với khả năng phòng thủ của Nhật Bản và đảo Guam, đều chưa từng được sử dụng để đánh chặn tên lửa đang bay. Do vậy, khả năng vận hành thực sự của các hệ thống này trên thực địa như thế nào vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.
Phòng thủ tên lửa là lĩnh vực khoa học khó đạt đến sự hoàn hảo. Ngay cả Lầu Năm Góc cũng phải thừa nhận rằng xác suất đánh chặn tên lửa cũng giống như “dùng một viên đạn để đối đầu với một viên đạn”.
Hệ thống phòng thủ tên lửa là cách để Mỹ phô trương hình ảnh là một quốc gia mạnh mẽ và không dễ bị tấn công. Tuy nhiên, đây rốt cuộc cũng chỉ là phương án có tỷ lệ thành công và thất bại ngang nhau. Theo đó, phòng thủ tên lửa chỉ được sử dụng như phương án B nhằm hạn chế thiệt hại trong trường hợp xung đột xảy ra.
Trong trường hợp Mỹ quyết định bắn hạ tên lửa Triều Tiên trong một vụ phóng thử nhưng không thành công, điều này sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới uy tín của Mỹ và chứng minh một điều rằng Mỹ cũng dễ bị tổn thương như bất kỳ quốc gia nào khác. Theo đó, các đồng minh của Mỹ sẽ đứng trước nguy cơ bị đe dọa còn Triều Tiên có thể tự tin tuyên bố rằng tên lửa của nước này là không thể bị hạ gục bởi bất kỳ bên nào.
Thậm chí, ngay cả trong trường hợp Mỹ hoặc các nước đồng minh bắn hạ thành công tên lửa Triều Tiên, kịch bản này cũng làm nảy sinh một số vấn đề. Khi đó, Mỹ sẽ được kỳ vọng là có khả năng bắn hạ tất cả các tên lửa do Triều Tiên phóng đi, nhưng đây là điều bất khả thi và không sớm thì muộn Washington cũng sẽ để lộ điểm yếu phòng thủ của mình.
Thành Đạt
Theo SCMP