1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những câu hỏi quanh sự trở lại nắm quyền của Taliban

Vũ Đức Tho

(Dân trí) - Việc Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan là một sự khởi đầu mới hay là sự tiếp nối của những bất ổn ở quốc gia Nam Á này?

Những câu hỏi quanh sự trở lại nắm quyền của Taliban  - 1

Các tay súng Taliban trên đường phố Kabul ngày 18/8 (Ảnh: AP).

Ngày 15/8, thủ đô Kabul của Afghanistan đã thất thủ nhanh chóng trước sự tấn công của Taliban là một sự kiện chính trị nổi bật, nó không chỉ đánh dấu sự trở lại nắm quyền của Taliban sau 20 năm bị tấn công, truy đuổi mà còn phản ánh về những yếu kém của chính quyền Afghanistan và sự thất bại của Mỹ kể từ sau khi can thiệp vào quốc gia này vào năm 2001 thông quan tiến hành cuộc chiến chống khủng bố.

Câu hỏi đặt ra giờ đây là: Việc Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan là một sự khởi đầu mới hay là sự tiếp nối của những bất ổn ở quốc gia Nam Á này?

Vì sao Taliban dễ dàng giành quyền lực?

Việc Taliban trở lại đỉnh cao quyền lực ở Afghanistan có thể không phải là bất ngờ, nhưng tốc độ sụp đổ chắc chắn là đáng kinh ngạc. Trong khoảng thời gian ngắn, Taliban đã giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Afghanistan, khiến Mỹ, đồng minh và cộng đồng quốc tế bị sốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu hôm 16/8 đã thừa nhận rằng trong suốt 20 năm qua, nhưng nỗ lực, niềm tin của Mỹ về chính phủ, quân đội của Afghanistan đã hoàn toàn sụp đổ: "Sự thật là, điều này đã diễn ra nhanh hơn chúng tôi đã dự đoán".

Điều "đáng kinh ngạc" xảy ra ở đây là, xét về tương quan lực lượng, tài chính, vũ khí trang bị, quân đội Afghanistan đều vượt trội hơn so với Taliban. Ông Biden cho biết, Mỹ đã chi hơn 1.000 tỷ USD, đã huấn luyện và trang bị cho một lực lượng quân đội Afghanistan khoảng 300.000 người. Ở chiều ngược lại, Taliban có khoảng trên 60.000 tay súng, mạng lưới chân rết với các nhóm vũ trang và những người ủng hộ, đưa quân số của phong trào vượt 200.000 người; vũ khí lạc hậu, nguồn thu tài chính chủ yếu từ buôn lậu ma túy, tống tiền doanh nghiệp, thu thuế từ vùng kiểm soát cửa khẩu biên giới và tài trợ từ bên ngoài.

Vậy điều gì đã xảy ra ở Afghanistan? Có một thực tế là, việc Taliban giành quyền kiểm soát đất nước không phản ánh Taliban có sức mạnh hơn chính quyền Afghanistan. Mà thực chất là, một chính quyền tham nhũng, chia rẽ, ỷ lại vào bên ngoài và không có ý chí chiến đấu là nguyên nhân của những thất bại.

Chính quyền Afghanistan không biết họ có bao nhiêu binh sĩ, bởi có cả số binh sĩ "ảo" do nạn quan liêu, tham nhũng, muốn làm đẹp hồ sơ. Tỷ lệ hao hụt trong lực lượng an ninh là khoảng 5.000 người/tháng, trong khi tỷ lệ tuyển mộ chỉ 300-500 người/tháng. Tinh thần chiến đấu rệu rã cùng với việc bất mãn của cảnh sát, quân đội vì họ không được trả lương trong nhiều tháng qua, tình trạng thiếu thốn lương thực, nước uống tới vũ khí đạn dược.

Tất cả những điều đó đã "tác động tàn phá đến tâm lý của binh lính", khiến họ không chiến đấu và không muốn hy sinh vì một "chính phủ tham nhũng".

Mỹ đã thất bại ở Afghanistan?

Nếu xét trên khía cạnh mục đích Mỹ can thiệp quân sự vào Afghanistan, Mỹ đã thành công và không hề thất bại ở Afghanistan khi đã tiêu diệt được chùm khủng bố Osama bin Laden, truy quét và ngăn chặn tổ chức Al-Qaeda tấn công vào nước Mỹ.

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh mất mát về tiền bạc, sự đổ máu, hy sinh của người Mỹ trong 20 năm tham chiến và những nỗ lực xây dựng chính quyền thân Mỹ ở Afghanistan thì Mỹ đã thất bại hoàn toàn. Đã có hơn 2.300 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng, hàng chục nghìn người Mỹ bị thương và Mỹ đã tiêu tốn số tiền hơn 2.000 tỷ USD. Tuy nhiên, điều mà Mỹ nhận được là sự thất bại, chưa đầy 4 tháng sau khi Mỹ rút quân, chính quyền Afghanistan đã sụp đổ, những nỗ lực, cố gắng của Mỹ trong suốt 20 năm đã tan vỡ.

Taliban nhận được sự ủng hộ nào từ bên ngoài?

Taliban của những năm 1996 có rất ít mối quan hệ quốc tế, chủ yếu là sự ủng hộ của đồng minh Pakistan, Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tuy nhiên, trong hơn 20 năm qua, Taliban luôn biết cách lợi dụng tình hình quốc tế, khu vực để không bao giờ phải đơn độc.

Taliban đã luôn được sự hỗ trợ của Pakistan, trong đó có các chính phủ, các lực lượng vũ trang, tình báo quân sự của Pakistan. Taliban từ lâu đã đặt cơ sở tại Pakistan, ngay cả khi Islamabad nhận tiền và hệ thống vũ khí của Mỹ để giúp Washington chống lại Taliban tại Afghanistan.

Taliban có mối quan hệ với Trung Quốc. Không phải đương nhiên trước khi giành quyền kiểm soát Kabul, đại diện của Taliban đã có mặt tại Trung Quốc. Taliban mong muốn có được sự hậu thuẫn về chính trị và kinh tế từ Trung Quốc để tái thiết đất nước và tránh thế cô lập từ phương Tây sau khi chiến tranh kết thúc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc quan tâm đến Taliban và Afghanistan hai khía cạnh. Về an ninh, Bắc Kinh quan ngại sự phát triển của lực lượng dân quân Duy Ngô Nhĩ ở Afghanistan - đối tượng làm gia tăng xung đột biên giới phía tây của nước này. Do đó, tăng cường quan hệ với Taliban là loại bỏ các mối đe dọa và tìm cách bảo đảm cho an ninh của Trung Quốc.

Về kinh tế, tăng cường quan hệ với Taliban cho phép Trung Quốc tiếp cận với sự giàu có về khoáng sản của Afghanistan và củng cố Sáng kiến Vành đai và Con đường của nước này. 

Đối với Nga, thay vì tránh xa, Moscow đã tìm ra lý do để quay trở lại - không phải để chiến tranh mà để duy trì và tăng cường quan hệ ở khu vực. Nga có những khoản đầu tư đáng kể vào nông nghiệp, giao thông vận tải và khai thác mỏ. Nga đã tiếp đón các phái đoàn của Taliban một số lần, điều đó như một tín hiệu chính trị trong tương lai của Afghanistan.

Chiến tranh có phải đã kết thúc?

Những câu hỏi quanh sự trở lại nắm quyền của Taliban  - 2

Các nhà hoạt động biểu tình kêu gọi đảm bảo quyền lợi của các phụ nữ trên đường phố Kabul (Ảnh: Reuters).

Taliban đã kiểm soát quyền lực ở Afghanistan trong lần trở lại này, và họ muốn được thừa nhận như một lực lượng chính trị hợp pháp, không muốn bị cô lập. Bằng chứng là trong những tháng qua, các nhà lãnh đạo Taliban từ Doha (Qatar) đã tỏa ra nhiều hướng, mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao và sự thừa nhận của nhiều quốc gia, trong đó có cả những cường quốc.

Những tuyên bố và hành động của Taliban cũng thể hiện một bộ mặt mới với những điểm tích cực. Trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên ngày 17/8, người phát ngôn chính của phong trào Taliban, Zabihullah Mujahid, cho biết Taliban "không muốn có bất kỳ kẻ thù bên trong hay bên ngoài nào". Taliban cũng đưa ra những lời hứa về quyền của phụ nữ, tuyên bố ân xá cho tất cả các quan chức chính phủ Afghanistan và hối thúc họ quay trở lại làm việc, "yên tâm bắt đầu cuộc sống như bình thường".

Rõ ràng, những tuyên bố và hành động thiện trí của Taliban đã có tác động chính trị tích cực trên nhiều phương diện. Nó không chỉ thể hiện mong muốn Taliban được chính phủ các quốc gia thừa nhận như là một lực lượng chính trị hợp pháp ở Afghanistan, mà còn trấn an những quan ngại của cộng đồng quốc tế, người dân Afghanistan và hứa hẹn một tương lai tốt đẹp ở phía trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình chính trị phức tạp ở khu vực, các nước, lực lượng thường tăng cường can dự vào Afghanistan, đặc biệt là trình trạng chia rẽ trong nội bộ đất nước thì tiếng súng và sự đổ máu ở quốc gia Nam Á này rất khó có thể chấm dứt.

Tóm lại, việc lực lượng Taliban trở lại nắm quyền sau 20 năm và sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Afghanistan ngay sau khi Mỹ và đồng minh phương Tây rút quân khỏi Afghanistan đã phản ánh sự can thiệp quân sự của Mỹ không làm cho tình hình đất nước tốt lên. Taliban muốn được cộng đồng quốc tế và người dân Afghanistan thừa nhận thì phải thay đổi. Do đó, điều quan trọng nhất là Taliban phải biết đặt lợi ích của người dân, đất nước lên trên; phải thực hiện được đoàn kết toàn dân tộc, tôn giáo, dung hòa lợi ích của các bên và bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cơ bản của người dân.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm