Cuộc sống "thấp thỏm" của người Afghanistan sau một tháng Taliban nắm quyền
(Dân trí) - Cuộc sống của người dân ở thủ đô Kabul đã có nhiều thay đổi sau khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan trong một tháng qua.
Một tháng kể từ ngày Taliban tiếp quản thủ đô Kabul, chiếm dinh tổng thống và tuyên bố nắm quyền lãnh đạo, Afghanistan vẫn đang "mắc kẹt" giữa quá khứ và hiện tại. Người dân chờ đợi ban lãnh đạo mới của Taliban, xem cách họ diễn giải luật Hồi giáo Shariah để biết những gì được làm hay bị cấm.
Ở thủ đô Kabul, âm nhạc không còn sôi động như trước. Những gam màu tươi sáng, vốn thể hiện một đất nước Afghansitan sôi động trước đây, dần được thay thế bằng hai màu đen, trắng - màu cờ của Taliban.
Bên ngoài đại sứ quán Mỹ, một công trình kiên cố, hoành tráng với kinh phí đầu tư lên tới 800 triệu USD, nay tràn ngập các thông điệp của Taliban như: "Chúng ta đã đánh bại nước Mỹ", "Giữ độc lập và tự do", "Kiên nhẫn để xây dựng một đất nước"… Cuộc tiến công chớp nhoáng của Taliban đã chấm dứt 20 năm cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và những lính Mỹ cuối cùng rốt cuộc cũng đã rời Kabul.
Nhiều người Afghanistan vẫn đang ẩn mình trong những góc khuất tối tăm và sống trong sợ hãi. Họ lo sợ bị Taliban trả thù.
Một cựu tướng lĩnh của Tổng cục An ninh Quốc gia (NDS) cho biết những người từng giữ chức vụ cao trong lực lượng quân đội, cảnh sát hoặc an ninh đều đang trong tình trạng "nguy cấp". Vị tướng này tiết lộ ông vẫn tiếp tục nhận được các tin nhắn và cuộc gọi hăm dọa.
"Tôi không thể ra ngoài và hầu hết chúng tôi phải thay đổi nơi ở của mình 3 hoặc 4 lần. Vì vậy, chúng tôi đang ở trong một tình huống rất tồi tệ", vị tướng cho biết.
Dù Taliban đã công bố thành lập chính phủ lâm thời của Afghanistan, nhưng nhiều cơ quan, dịch vụ vẫn chưa hoạt động lại. Hầu hết các bộ không có nhân sự làm việc.
Các tay súng Taliban xuất hiện bên ngoài các tòa nhà chính phủ, tuần tra các tuyến phố bằng xe bọc thép của Mỹ và mang vũ khí Mỹ. Cờ của Taliban được treo ở hầu hết tòa nhà chính phủ, các tuyến phố và các cơ quan.
Sự hiện diện của Taliban cũng mang đến bầu không khí trật tự và luật lệ ở Kabul.
"Không có trộm cướp, không có bắt cóc, không có gì cả. Trước đây, chúng tôi không thể thoải mái đi lại như vậy. Những tên tội phạm có súng sẽ lấy điện thoại di động, tiền và mọi thứ của chúng tôi. Bây giờ, không còn chuyện đó nữa", ông Fazal Mohammed, chủ tiệm cắt tóc 55 tuổi, nói.
Mohammed cho biết Taliban vẫn chưa ban hành sắc lệnh chính thức nào về việc yêu cầu đàn ông phải để râu như trong giai đoạn cầm quyền cách đây 20 năm. Nếu lệnh này được áp dụng, công việc kinh doanh của Mohammed sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, Hashim, 52 tuổi, một thợ may lâu năm ở Kabul, nói rằng hoạt động kinh doanh của ông đã giảm 70% kể từ khi Taliban tiếp quản thủ đô.
"Trước đây, mọi người có thu nhập, nhưng bây giờ không còn nữa. Vấn đề duy nhất của chúng tôi là việc làm. Còn tình hình an ninh vẫn tốt. Chúng tôi không còn lo sợ nữa", ông Hashim cho biết.
Aminullah, nhân viên 25 tuổi tại một cửa hàng điện thoại di động, cho biết mặc dù hoạt động kinh doanh sụt giảm gần 70%, nhưng giờ đây anh có thể đi lại trên đường phố sau 10 giờ tối.
"Trước đây, khi còn chiến tranh, chúng tôi phải về nhà lúc 6 giờ tối", Aminullah nhớ lại.
Sự thay đổi lớn nhất tại Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền có lẽ là cuộc sống của những người phụ nữ. Một số người vẫn tiếp tục cuộc sống hàng ngày của họ, giấu mình sau những lớp áo choàng và khăn che kín mặt. Nhưng phần lớn phụ nữ Afhganistan không xuất hiện công khai. Họ chọn ở trong nhà, khi không thể đi làm hoặc đi học.
Những người trẻ tuổi ở Kabul, trong đó có nhiều người thậm chí còn chưa sinh ra trong giai đoạn cầm quyền của Taliban từ năm 1995 đến 2001, dường như là những người khó chịu nhất.
"Bây giờ có rất ít phụ nữ đến đây. Chúng tôi từng bán được khoảng 120 USD mỗi ngày, nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 20-30 USD. Chúng tôi chỉ hy vọng mọi chuyện sẽ tốt hơn", Abdul Batan, 35 tuổi, chủ một cửa hàng quần áo, cho biết.
Những cuộc biểu tình phản đối Taliban, thường do phụ nữ dẫn đầu, đã nổ ra trên đường phố nhằm đòi hỏi quyền lợi, tuy nhiên phong trào này dường như đang suy yếu. Những hành động nổi loạn như hút thuốc lá trên đường phố hay đàn ông mặc quần jean bó và áo sơ mi kiểu phương Tây vẫn thỉnh thoảng xuất hiện ở Kabul.