1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nguy cơ đối đầu Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trên không

(Dân trí) - Phản ứng trước việc chiến đấu cơ Nga liên tục xâm phạm Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố tổ chức này sẵn sàng trợ giúp Ankara đối phó với Mátxcơva. Liệu có xảy ra một cuộc đối đầu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ?

 


Máy bay Nga tại Syria (Ảnh: Ria)

Máy bay Nga tại Syria (Ảnh: Ria)

Chỉ trong 3 ngày đầu tháng này, các máy bay chiến đấu Nga đã hai lần xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Ankara vô cùng tức giận và cho triệu ngay Đại sứ Nga để phản đối. Trước phản ứng cứng rắn của Ankara, giới chức Mátxcơva đã lên tiếng xin lỗi và giải thích đây chỉ là sự cố do “thời tiết xấu”. Điện Kremlin cũng cam kết sẽ không để sự việc tái diễn.

Tuy nhiên, đến lần thứ 3 và là lần xâm phạm nghiêm trọng nhất, nhiều người cho rằng đây không còn là sự cố về thời tiết hay các “lỗi điều hướng” như lý giải ban đầu. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc một chiến đấu cơ MiG-29 của Nga đã khóa radar mục tiêu trong 4 phút rưỡi và dường như sẵn sàng nhả đạn vào các máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không phận nước này. Vậy thông điệp Mátxcơva muốn gửi tới người Thổ Nhĩ Kỳ là gì?

Mátxcơva đang chứng tỏ rằng họ là “cảnh sát trưởng mới” trong khu vực và Thổ Nhĩ Kỳ tốt hơn hết nên hành xử kiềm chế và khôn ngoan nếu không muốn gặp rắc rối. Sẽ không có bất kỳ vùng cấm bay nào mà Mỹ và đồng minh được phép thiết lập trên bầu trời Bắc Syria.

Ngoài ra, Nga cũng sẽ không chấp nhận các vụ tấn công đường không vào Syria từ phía bên kia biên giới (ám chỉ Thổ Nhĩ Kỳ), cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa bộ binh tràn sang Syria. Các lực lượng không quân của Nga mới là lực lượng kiểm soát bầu trời Syria và họ sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền biên giới của đồng minh này.

Đây là một ví dụ của chiến thuật “chiếm tiên cơ”, theo đó Nga muốn ngăn chặn xung đột hơn là lao vào đối đầu với Ankara. Bằng cách bắn tên vào chiếc cung đang giương lên của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga muốn buộc chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phải cân nhắc lại kế hoạch sáp nhập một phần khu vực Bắc Syria, hay thiết lập ở đây vùng hay hành lang an toàn. Nga tin rằng với sự xuất hiện của quân đội Nga tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ phải tính toán lại tất cả những ý định trên vì bất kỳ nỗ lực nào hòng chiếm giữ lãnh thổ Syria sẽ châm ngòi cho hành động đáp trả mạnh mẽ và ngay tức khắc từ phía Mátxcơva.

Nhìn từ góc độ đó, việc máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ là cách thức hiệu quả để ngăn chặn cuộc chiến mà Ankara có thể đã lên kế hoạch. Không những thế, đó còn là một thông điệp mà Nga muốn gửi tới các đối thủ tiềm tàng khác về điều mà họ nên và không nên làm. Theo nhận định của tờ The Independent, Tổng thống Putin đang viết lại luật chơi tại Syria và ông Erdogan nên biết chấp nhận điều đó.

Nhìn vào tình hình thực địa tại Syria, có thể thấy rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ đổ bộ binh vào Syria vẫn là một khả năng có thể xảy ra, vì với Ankara ưu tiên hàng đầu vẫn là  đối phó với phong trào ly khai của người Kurd.

Hiện tại, người Kurd đã thành lập được 2 khu vực tự trị, gần như nhà nước riêng, tại Syria và Iraq. Trong đó, khu tự trị người Kurd tại Syria do Đảng Liên minh Dân chủ (PYD) lãnh đạo, một chi nhánh hoạt động rất hiệu quả của Đảng Công nhân người  Kurd (PKK), lực lượng đã đối đầu với chính quyền Ankara trong suốt giai đoạn từ năm 1984 tới nay.

Việc PKK có được một nhà nước của riêng mình sẽ cổ vũ cho lực lượng này đẩy mạnh hoạt động ly khai ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có đông người Kurd sinh sống, từ đó đe dọa nghiêm trọng sự toàn vẹn và tồn vong của Thổ Nhĩ Kỳ nếu như việc vượt tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, trước những hành động quyết đoán và thông điệp mạnh mẽ của Nga trong thời gian qua, dù rất muốn thực hiện song song hai mục tiêu là tiêu diệt PKK và lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng ông Erdogan sẽ không thể chơi canh bài quá mạo hiểm. Vị tổng thống đầy tham vọng này sẽ không thể triển khai chiến đấu cơ tới miền Bắc Syria và công khai thách thức lực lượng không quân Nga, kể cả khi nhận được sự cổ súy và hậu thuẫn mạnh mẽ từ NATO, một liên minh quân sự mà Ankara là thành viên.

Đức Vũ

 

Nguy cơ đối đầu Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trên không - 2