Người Nga hoài nghi về cam kết giúp sớm khép lại chiến sự của ông Trump
(Dân trí) - Người dân Nga tỏ ra không mấy lạc quan trước viễn cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể giúp khép lại cuộc chiến với Ukraine.
Sự trở lại của ông Donald Trump tại Nhà Trắng không được người dân Moscow kỳ vọng sẽ nhanh chóng chấm dứt gần 3 năm xung đột tại Ukraine, theo một cuộc phỏng vấn của AFP trên các đường phố thủ đô Nga.
Tổng thống đắc cử Mỹ, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, đã cam kết giúp kết thúc nhanh chóng cuộc chiến này, với tuyên bố từ nhóm của ông cho rằng cả hai bên đều phải chấp nhận nhượng bộ.
Tuy nhiên, trên các con đường ở Moscow, chỉ vài ngày trước khi ông Trump trở lại nắm quyền lực, ít ai tin rằng nhà tài phiệt bất động sản kiêm chính trị gia này có thể làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình.
"Dù là Trump hay một chính trị gia khác, thì cũng không có gì thay đổi", Igor, một kỹ sư 37 tuổi đi qua Đại sứ quán Mỹ tại Moscow, chia sẻ.
"Chỉ có một người có thể thay đổi tình hình, và chúng ta đều biết đó là ai. Nếu ông ấy muốn, mọi chuyện sẽ kết thúc", anh nói, dường như nhắc tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Điện Kremlin đã tuyên bố sẵn sàng đàm phán với ông Trump về Ukraine, nhưng cũng đã đặt ra các điều kiện cứng rắn cho một lệnh ngừng bắn, yêu cầu Kiev rút quân khỏi bốn khu vực ở phía đông và nam Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Cam kết giúp mang lại hòa bình nhanh chóng của ông Trump đã làm dấy lên lo ngại ở Kiev rằng Ukraine có thể bị buộc phải chấp nhận một thỏa thuận có lợi cho Moscow.
Nhưng tại Moscow, nhiều người tỏ ra hoài nghi về những gì ông Trump có thể mang lại.
"Tôi nghĩ rằng ông Trump có thể sẽ áp đặt các điều kiện không phù hợp với Nga. Họ muốn đình chiến, còn Nga muốn chiến thắng", bà Anna Petrova, một người về hưu 75 tuổi, chia sẻ với AFP.
Bà gọi ông Trump là một chính trị gia "dân túy" và nhắc đến những tuyên bố gây tranh cãi của ông, chẳng hạn như việc đề xuất sáp nhập Canada và đảo Greenland.
Elia Antonova, 71 tuổi, cũng bày tỏ sự hoài nghi. "Tôi nghĩ khó có khả năng ông ấy đưa ra điều gì đó chấp nhận được với Nga. Ông ấy sẽ giữ vững lập trường của mình, và tôi nghĩ tất nhiên Nga sẽ không đồng ý", bà cho hay.
Trong thời gian qua, cả hai bên đều đang cố gắng giành lợi thế trên chiến trường trước khi ông Trump nhậm chức.
Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng và quân sự của Nga sâu hàng trăm km sau chiến tuyến. Họ cũng đã bắt đầu sử dụng các loại tên lửa do phương Tây cung cấp trên lãnh thổ Nga, động thái khiến Moscow nhiều lần cảnh báo đáp trả.
Trong khi đó, quân đội Nga đang đạt đà tiến quân nhanh chóng tại vùng Donetsk ở phía đông, nơi Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực và thiết bị nghiêm trọng.
Dù ông Trump mong muốn một nền hòa bình nhanh chóng, hai bên dường như vẫn cách xa nhau trong quan điểm về một thỏa thuận khả thi. Hai bên liên tục đưa ra những điều kiện tiên quyết để đàm phán quá khác nhau, dẫn tới không thể tìm được tiếng nói chung.