1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Dân thường Ukraine thấp thỏm khi ông Trump sắp thành ông chủ Nhà Trắng

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhiều người Ukraine bày tỏ sự hoài nghi với viễn cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể giúp nước này khép lại chiến sự với Nga một cách nhanh chóng.

Dân thường Ukraine thấp thỏm khi ông Trump sắp thành ông chủ Nhà Trắng - 1

Ukraine bị tàn phá nặng nề do chiến sự (Ảnh: Reuters).

Liudmyla Parybus, một sinh viên 20 tuổi tại trung tâm Kiev, không kỳ vọng quá nhiều vào việc tân Tổng thống Mỹ sẽ chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 3 năm ở Ukraine.

"Tôi không mấy hy vọng vào ông ấy. Cuối cùng thì mọi thứ đều phụ thuộc vào chúng tôi", cô cho biết.

Sự hoài nghi của Parybus phản ánh cảm xúc của nhiều người Ukraine, những người không quá tin tưởng vào các lời hứa của ông Donald Trump về việc nhanh chóng đạt được một thỏa thuận hòa bình sau khi ông nhậm chức vào đầu tuần tới.

"Số phận của chúng tôi nằm trong tay chính chúng tôi. Chúng tôi không thể dựa vào bất kỳ ai khác", Marharyta Deputat, một quản lý bán hàng 29 tuổi, chia sẻ.

Hanna Horbachova, 55 tuổi, cũng không mấy lạc quan về lời hứa của ông Trump. Chủ sở hữu một tiệm bánh ăn nên làm ra từng phải rời bỏ nhà cửa ở khu vực Donetsk cách đây một thập kỷ, khi giao tranh nổ ra giữa chính phủ Ukraine và lực lượng dân quân do Nga hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine. Hai thỏa thuận hòa bình quốc tế sau đó cũng thất bại.

Bà không loại trừ khả năng phải rời bỏ ngôi nhà mới ở thành phố Dnipro nếu quân đội Nga tiếp tục tiến gần. Bà dự đoán Nga sẽ không dừng lại ở Donetsk, Zaporizhia hay Dnipropetrovsk.

Dù hoài nghi về khả năng ông Trump giúp Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận hòa bình, bà Horbachova tin rằng ông Trump có cơ hội để trở thành biểu tượng hòa bình toàn cầu nếu ông thực hiện được cam kết.

"Ông Trump có cơ hội để ghi tên mình vào lịch sử như một vị cứu tinh của một dân tộc", bà nói.

Không phải tất cả người Ukraine đều hoài nghi về khả năng ông Trump có thể giúp chấm dứt chiến sự. Một cuộc khảo sát vào tháng 12 do Gradus Research thực hiện cho thấy hơn 1/3 người Ukraine được khảo sát tin rằng chiến sự sẽ kết thúc vào cuối năm 2025, tăng từ khoảng 1/4 vào 6 tháng trước đó.

Cuộc khảo sát này cũng cho thấy 31% số người được hỏi dự đoán chiến sự sẽ kéo dài "nhiều năm", trong khi 31% khác nói rằng kết cục khó có thể dự đoán.

Oleksandr Merezhko, chủ tịch ủy ban đối ngoại của quốc hội Ukraine, cho rằng ông Trump có thể tạo dựng di sản bằng cách mang lại hòa bình và an ninh cho Ukraine.

"Ukraine cần trở thành một câu chuyện thành công của ông Trump. Ông ấy có thể đi vào lịch sử giống như là một người chiến thắng", ông nhận định.

Tuy nhiên, các điều kiện tiên quyết để 2 bên đàm phán vẫn còn cách xa. Cố vấn của ông Trump thừa nhận rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể kéo dài nhiều tháng hoặc lâu hơn, một thực tế khác với lời hứa ngoại giao lớn nhất của ông là đạt được thỏa thuận hòa bình ngay ngày đầu tiên nhậm chức.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kiên quyết thúc đẩy việc NATO mời Kiev gia nhập nhằm đảm bảo an ninh vững chắc nhất để ngăn Nga tấn công trong tương lai. Ông lo ngại rằng bất kỳ thỏa thuận nào không bao gồm sự đảm bảo mạnh mẽ từ Washington sẽ chỉ cho phép Moscow hồi phục sức mạnh quân sự để tiếp tục tấn công.

"Họ sẽ xây dựng năng lực quân sự để quay lại. Họ sẽ tiếp tục những gì đã bắt đầu từ năm 2014 và tiếp tục vào năm 2022", Oleksii Reznikov, cựu bộ trưởng quốc phòng và nhà đàm phán hòa bình với Nga, dự đoán.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sẵn sàng thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn với ông Trump, nhưng ông kiên quyết từ chối bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ nào và đồng thời yêu cầu Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.

Hai thỏa thuận ngừng bắn trước đây, được ký kết tại Minsk năm 2014-2015, đã sụp đổ nhanh chóng giữa các cáo buộc vi phạm từ cả hai phía. Điều này cho thấy những rủi ro lớn của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.

Ngay cả khi đạt được thỏa thuận ngừng chiến, việc duy trì nó sẽ là một thách thức lớn, theo Samir Puri, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Quản trị và An ninh Toàn cầu của Chatham House.

"Vẫn còn là câu hỏi ai sẽ giám sát và thực thi thỏa thuận ngừng bắn", ông nói.

Roman Kostenko, một nhà lập pháp từng chỉ huy lực lượng đặc nhiệm tại tiền tuyến ở Ukraine, cho rằng rất khó để duy trì hòa bình khi một bên khai hỏa và bên kia phản ứng.

"Tôi từng trải qua hàng chục lệnh ngừng bắn, có lẽ 20 lần. Không lần nào kéo dài quá năm phút", ông cho biết.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine