Thái Lan
Người biểu tình xông vào dinh thủ tướng ở Bangkok
(Dân trí) - Chiều 26/8, một đám đông những người biểu tình đã xông vào dinh Thủ tướng tại trung tâm thủ đô Bangkok và đây là một trong hàng chuỗi hành động của người biểu tình nhằm chống lại các cơ quan chính phủ.
Hàng nghìn người biểu tình, dẫn đầu là Liên minh nhân dân vì Dân chủ (PAD), đã xông vào dinh thủ tướng ở trung tâm thủ đô Bangkok vào khoảng 2 giờ chiều giờ địa phương, sau khi phá vỡ hàng rào cảnh sát.
Hình ảnh được chiếu trên truyền hình Thái Lan cho thấy, đám đông chỉ dừng lại khi họ tiến vào khu vực sân của tòa nhà nhưng không cố gắng đột nhập vào các phòng làm việc. Họ ngồi dưới sân cỏ, vẫy cờ và các biểu ngữ.
Dinh thủ tướng khi đó đang bỏ trống do Thủ tướng Samak và các bộ trưởng được cho là đã thay đổi địa điểm tiến hành phiên họp nội các diễn ra vào thứ 3 hàng tuần.
Trong khi đó, đồng lãnh đạo PAD Chamlong Srimuang, người dẫn đầu nhóm biểu tình, tuyên bố: “Chúng tôi chỉ vào đây để tránh nắng và nghỉ ngơi”.
Đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây, một đám đông những người biểu tình đã cố gắng xông vào khu tòa nhà chính phủ. Tuy nhiên, có vẻ như họ chỉ tiến hành một cuộc biểu tình hòa bình.
Biểu tình rầm rộ
Hàng chục nghìn người biểu tình đã đổ ra các đường phố ở thủ đô Bangkok để kêu gọi Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej và nội các của ông từ chức.
Cuộc biểu tình lớn bắt đầu vào sáng sớm hôm nay bằng một cuộc đột kích bất ngờ vào trụ sở đài truyền hình quốc gia Thái Lan NBT. Đến trưa, Liên minh nhân dân vì Dân chủ (PAD) tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn NBT và NBT đã ngừng toàn bộ các chương trình phát sóng.
Trước khi tiến vào dinh thủ tướng, đám đông người biểu tình đã chặn các tuyến đường chính nối với Bangkok với các tỉnh phía nam, phía bắc và phía đông bắc của đất nước.
Thậm chí, họ còn xông các văn phòng làm việc và bao vây một số văn phòng bộ trưởng cũng như sở cảnh sát Bangkok, khiến nhiều cơ quan chính phủ phải ngừng làm việc.
“Chúng tôi đang kiểm soát hầu hết các văn phòng then chốt của chính phủ để khiến họ không thể đi làm”, Sondhi Limthongkul, một nhân vật hàng đầu của PAD nói. “Hôm nay, chúng tôi tuyên bố chính phủ sẽ có một kỳ nghỉ dài”.
Các nhà quan sát tin rằng, ông Samak - Thủ tướng kiêm Bộ trưởng quốc phòng, có thể ban bố tình trạng khẩn cấp tại Bangkok. Điều này có thể mở đường cho sự can thiệp của quân đội, nếu tình hình căng thẳng không lắng dịu.
Tuy nhiên, Tư lệnh tối cao Poonsang Niempradit nhận định các cuộc biểu tình của PAD chưa tới mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Ông Poonsang tin tưởng cảnh sát có thể kiểm soát được tình hình.
Các cuộc biểu tình là nỗ lực mới nhất của PAD nhằm kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Samak từ chức, điều mà ông Samak kiên quyết bác bỏ. PAD cáo buộc ông Samak chỉ là người ủy nhiệm của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006 và hiện đang sống lưu vong ở Anh.
PAD cũng cáo buộc ông Samak cố gắng thay đổi hiến pháp để giúp cựu Thủ tướng Thaksin thoát khỏi một loạt các cáo buộc tham nhũng. Họ còn buộc tội chính phủ là không truy tố cựu thủ tướng và từ chối các yêu cầu dẫn độ ông về nước để đối mặt với luật pháp.
Chính PAD đã dẫn đầu các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng hồi năm 2006 và các cuộc biểu tình chỉ chấm dứt khi ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vì những cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Hình ảnh cuộc biểu tình rầm rộ tại Thái Lan:
| |
Biển người biểu tình bên ngoài dinh thủ tướng ở thủ đô Bangkok ngày 26/8. |
| ||
|
| ||
Những người biểu tình tụ tập bên ngoài đài truyền hình quốc gia NBT. |
| ||
Đến trưa, lực lượng biểu tình tuyên bố đã kiểm soát NBT. |
| ||
Những người biểu tình trèo qua cổng dinh thủ tướng. |
| ||
|
| ||
Rồi phá đổ cổng dinh thủ tướng. |
VTH
Theo The Nation, AP