Thái Lan:
Thủ tướng Thái Lan tuyên bố không từ chức hay giải tán Quốc hội
(Dân trí) - Phát biểu trên truyền hình Thái Lan tối qua, Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat đã tuyên bố sẽ không từ chức hay giải tán quốc hội theo như đề nghị của quân đội.
Ông Somchai cho biết nội các sẽ họp khẩn trong ngày hôm nay để bàn giải pháp đưa tình hình trở lại bình thường.
Hôm qua, ngay trước khi máy bay chở Thủ tướng Somchai Wongsawat hạ cánh xuống sân bay Chiang Mai, chỉ huy quân đội Thái Lan - tướng Anupong Paochinda - cũng là người đứng đầu Uỷ ban Giám sát Diễn biến chính trị nước này, đã kêu gọi chính phủ giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử.
Lên tiếng trong một cuộc họp báo, Tướng Anupong Paochinda nói: "Đây không phải là cuộc đảo chính. Chính phủ đang nắm toàn bộ quyền lực trong tay. Những điểm tôi nói tới chỉ có tính chất gợi ý để giải quyết đối đầu tại Thái Lan, căng thẳng hiện đang đẩy đất nước vào vòng khủng hoảng".
Tướng Anupong nói thêm, nếu một cuộc đảo chính mà vãn hồi được trật tự, có thể ông sẽ làm theo cách đó.
Ông cũng kêu gọi người biểu tình chống chính phủ nên rời sân bay quốc tế Bangkok. Tuy nhiên, người phát ngôn của Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) đã bác bỏ yêu cầu này và cho biết người biểu tình sẽ còn chiếm lĩnh sân bay quốc tế Bangkok cho đến khi thủ tướng Somchai từ chức.
Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat đã trở về Thái Lan qua ngả sân bay Chieng Mai, sau khi dự hội nghị thượng đỉnh khối APEC tại Peru.
“Máy bay chở Thủ tướng đã về đến sân bay Chiang Mai lúc 6 giờ chiều”, đại uý Montol Suchookorn của lực lượng không quân Thái nói. "Tôi không biết ông sẽ dùng máy bay nào để bay đến Bangkok"
Các nguồn tin khác cho biết Thủ tướng Somchai đã về sân bay quân sự Don Mueang lúc 5 giờ chiều, nhưng ngay sau đó đã bay đến Chiang Mai. Theo tin này, máy bay của ông Somchai đã ghé qua sân bay quân sự này để đón các thành viên nội các chủ chốt và lập tức bay đến sân bay quân sự Chiang Mai. Thành phố Chiang Mai được xem là tiền đồn của phe ủng hộ Thaksin.
Trước đó, người đứng đầu của tổ chức biểu tình PAD, ông Sondhi Limthongul nói nhóm của ông chỉ đồng ý thương lượng với điều kiện Thủ tướng Somchai đồng ý từ chức.
PAD là một tập hợp lỏng lẻo của những người trung thành với hoàng gia, doanh nhân, và giới trung lưu, những người chống lại chính sách của ông Thaksin. Chiến dịch kêu gọi chính phủ từ chức của họ đã làm gián đoạn hoạt động của các cơ quan hàng đầu, trong đó có quốc hội.
Diễn biến mới nhất từ sân bay Suvarnabhumi:
- Tối qua, Toà án dân sự Thái Lan đã phát lệnh khẩn cấp, yêu cầu PAD và những người ủng hộ lực lượng này lập tức rời khỏi sân bay quốc tế Suvarnabhumi. PAD vẫn chưa có phản ứng gì.
- PAD đã đồng ý cho Cơ quan Quản lý Sân bay Thái Lan sơ tán hành khách bị kẹt đêm qua tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok. Nhưng cuộc thương lượng giữa đại diện sân bay quốc tế Suvarnabhumi và PAD để nối lại hoạt động bình thường của sân bay bày đã không thu được kết quả.
- Lực lượng cảnh sát tỉnh và thủ đô đã được triển khai giám sát tình hình quanh sân bay để tránh các nhóm chống và ủng hộ chính phủ đối đầu. Cảnh sát đã yêu cầu quân đội trợ giúp, nhưng lực lượng này chưa được triển khai.
- Hậu quả kinh tế của vụ chiếm đóng này khá lớn. Du lịch là ngành chiếm 6% tổng sảm phẩm quốc nội của nước này. Hàng trăm khách sạn đã bị khách báo hủy đặt phòng, hàng chục chuyến bay bị huỷ. Thiệt hại riêng ở sân bay đã là ít nhất 50 triệu baht (1,5 triệu USD).
- Sau Mỹ và Australia, chính phủ các nước Pháp, Anh, Nga, New Zealand, Trung Quốc, Singapore và Nhật Bản đã kêu gọi công dân của mình tránh đi du lịch tại Thái Lan.
Nguyễn Viết
Tổng hợp