1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Người Anh chọn rời EU: Liệu đã đủ giá trị pháp lý?

(Dân trí) - Dù cuộc trưng cầu dân ý tại Anh đã chính thức hạ màn với kết quả gần 52% người dân nước này chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) nhưng đây không phải là cơ sở pháp lý ràng buộc để Anh có thể “dứt áo ra đi” ngay lập tức, vì theo quy định của luật, Quốc hội Anh giữ quyền lực tối cao và đây mới là cơ quan ra quyết định cuối cùng.

Đa số người dân Anh đã chọn rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 (Ảnh: Reuters)
Đa số người dân Anh đã chọn rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 (Ảnh: Reuters)

Theo Guardian, nếu đặt ra câu hỏi rằng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý của Anh về việc “ra đi” hay “ở lại” EU có giá trị về mặt pháp lý không thì câu trả lời đơn giản là “không” vì Quốc hội mới là cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng theo quy định của luật Anh. Về mặt lý thuyết, chính phủ Anh có quyền không màng tới cuộc trưng cầu và Thủ tướng Anh David Cameron cũng có quyền bỏ qua kết quả của cuộc trưng cầu đó, sau đó kêu gọi một cuộc bỏ phiếu mới trong Quốc hội, vốn chiếm đa số bởi các nghị sĩ ủng hộ Anh ở lại EU. Như vậy, trong trường hợp Quốc hội không tuân theo “ý dân” thì kịch bản Anh rời khỏi EU cũng không thể xảy ra.

Tuy nhiên, BBC nhận định, với việc đa số người dân đồng ý để Anh ra khỏi EU như cuộc trưng cầu dân ý vừa qua thì Quốc hội khả năng cao sẽ thuận theo kết quả đó vì khó có nghị sĩ nào muốn chống lại nguyện vọng của người dân và công khai vận động để đảo ngược lại điều mà phần lớn công chúng Anh đã lựa chọn.

Theo BBC, nếu muốn Anh rời EU, Quốc hội phải thông qua một thỏa thuận xin rút và phải phê chuẩn thỏa thuận đó. Nhưng hiện trong Quốc hội Anh, số nghị sĩ của đảng Lao động, những người muốn Anh ở lại EU, vượt trội hơn so với số nghị sĩ của đảng Bảo thủ, nên việc thông qua thỏa thuận rút khỏi EU có thể sẽ gặp khó khăn.

Những người ủng hộ Brexit ăn mừng sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố (Ảnh: Reuters)
Những người ủng hộ Brexit ăn mừng sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố (Ảnh: Reuters)

Cần ít nhất 2 năm để Anh có thể rời khỏi EU

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những vấn đề pháp lý nội bộ mà nước Anh phải giải quyết trước mắt nếu muốn rời khỏi EU, còn nếu xét đến những quy định của EU thì quá trình xin rút còn phức tạp và mất thời gian hơn nhiều. Theo luật định, rời khỏi EU không phải là một tiến trình tự động mà Anh phải trải qua nhiều bước trong vòng ít nhất 2 năm tới, nếu suôn sẻ thì Anh mới chính thức không còn là thành viên của EU. Trong 2 năm này, Anh sẽ vẫn tuân thủ theo các điều ước và luật của EU, tuy nhiên nước này sẽ không được tham gia vào bất kỳ quyết định nào của EU.

Để thực hiện việc rời EU, Anh cần tuân theo những nguyên tắc cơ bản đã được quy định cụ thể trong Điều 50 của Hiệp ước Lisbon về Liên minh châu Âu (2007). Theo Điều 50, “bất cứ quốc gia thành viên nào cũng có thể rời khỏi Liên minh theo đúng các thủ tục hiến pháp của mỗi nước”. Do vậy, để khởi động quá trình rời EU, Thủ tướng David Cameron hoặc Thủ tướng kế nhiệm sẽ phải “kích hoạt” Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Đầu tiên, Anh cần thông báo chính thức với Hội đồng châu Âu (EC) về việc nước này muốn rời khỏi khối, tuy nhiên khoảng thời gian để tiến hành thông báo này không được quy định tại Điều 50. Sau đó, Anh sẽ phải tiến hành thảo luận với EC để đưa ra khung pháp lý trước khi bàn đến những vấn đề chi tiết cho việc rời khỏi EU. Ngoài ra, Anh cũng sẽ thương lượng về các thỏa thuận thương mại với các nước thành viên còn lại của EU. Sau khi hoàn tất các cuộc đàm phán, dự kiến ít nhất mất 2 năm, nếu các bên cùng nhất trí với những điều khoản đưa ra thì 2 cơ quan lập pháp của EU là Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng liên minh châu Âu (CEU) sẽ bỏ phiếu thông qua quyết định cuối cùng. Hiệp ước Lisbon quy định, thỏa thuận giữa các bên chỉ có hiệu lực nếu được Nghị viện châu Âu và 72% thành viên EU còn lại, đại diện tối thiểu 65% dân số, thông qua.

Trong giai đoạn đàm phán, luật của EU vẫn áp dụng đối với Anh. Anh vẫn tham gia vào các hoạt động chung, ngoại trừ các cuộc thảo luận nội bộ của liên minh. Anh cũng không được quyền bỏ phiếu cũng như quyết định những chính sách lớn của EU.

BBC nhận định, thời gian để Anh kết thúc đàm phán dài hay ngắn còn tùy thuộc vào sự sẵn lòng của các nước thành viên EU. Và khi đã rời EU, nếu muốn tái gia nhập lại, Anh sẽ phải thực hiện lại từ đầu quy trình như một ứng viên mới vào liên minh.

Thành Đạt

Tổng hợp