1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia dự báo "cuộc chia tay" 500 tỷ USD của Anh và EU

(Dân trí) - Một chuyên gia kinh tế Hà Lan đã nhận định Anh có thể bị thiệt hại tới 532 tỷ USD sau khi rời khỏi liên minh châu Âu EU và viễn cảnh sau “Brexit cứng” sẽ khá “ảm đạm”.

Một nhóm người Anh biểu tình phản đối Brexit tháng 7/2016 tại London. (Ảnh: Reuters)
Một nhóm người Anh biểu tình phản đối Brexit tháng 7/2016 tại London. (Ảnh: Reuters)

Theo Sputnik, một nghiên cứu do ngân hàng Hà Lan Rabobank thực hiện đã cảnh báo rằng mỗi người lao động Anh có thể sẽ bị mất 15.300 USD đến năm 2030 do Brexit và nền kinh tế nước này sẽ thiệt hại 532 tỷ USD.

Rabobank đã sử dụng các mô hình kinh tế để ước tính con số thiệt hại với 3 kịch bản về mối quan hệ thương mại giữa Anh và EU sau khi Brexit xảy ra. Kịch bản đầu tiên là “Brexit mềm”, có nghĩa là Anh vẫn nằm trong thị trường chung châu Âu nhưng rời khỏi liên minh thuế quan.

Kịch bản thứ 2 là Anh và EU sẽ ký kết hiệp định thương mại tự do, giống trường hợp của Thụy Sĩ và liên minh châu Âu. Và kịch bản cuối cùng sẽ là “Brexit cứng” có nghĩa là Anh sẽ rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận thương mại nào, chuyên gia kinh tế Hugo Erken của Rabobank nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Erken, kịch bản thứ 3 có khả năng sẽ trở thành hiện thực khi các cuộc thương lượng giữa Anh và EU sắp đi đến hồi kết.

Vào ngày 9/10, Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu rằng Anh nên chuẩn bị tinh thần cho việc rời EU mà không đạt được bất cứ thỏa thuận thương mại nào.

Rabobank đã đánh giá tác động vĩ mô của Brexit đối với Anh và EU bằng cách áp dụng các mô hình tác động ngắn hạn đối với luồng thương mại giữa các quốc gia, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tỷ giá hối đoái. Các nhà phân tích cũng đưa ra những viễn cảnh “ảm đạm” về tăng trưởng kinh tế sau Brexit về các lĩnh vực như nghiên cứu và phát triển công nghệ, nguồn nhân lực, thuế doanh nghiệp…

Theo kịch bản "Brexit mềm", Rabobank nhận định khi Anh tự định mức thuế nhập khẩu, nhưng vẫn ở trong một thị trường cho phép di chuyển tự do hàng hoá, vốn, dịch vụ và lao động từ EU thì tổng sản phẩm quốc nội GDP của họ có thể giảm 10%. Với kịch bản kí kết hiệp định thương mại tự do với EU, họ sẽ thiệt hại 12,5% GDP.

Với kịch bản “Brexit cứng”, cho đến năm 2030, sản lượng tiềm năng của họ chỉ là 1,3%, so với mức 2,1% mà Rabobank ước tính nếu họ vẫn là thành viên EU vào thời điểm đó. Chênh lệch này được quy đổi ra thành 532 tỷ USD, một cú sốc lớn với tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Anh, chuyên gia Erken nhận xét.

Không chỉ Anh mà ngay cả các quốc gia khác cũng sẽ chịu hậu quả khi “Brexit cứng” xảy ra. Theo Rabobank, mỗi người lao động Hà Lan có thể sẽ bị mất 4.732 USD do hậu quả của "cuộc chia tay" tốn kém này.

Đức Hoàng

Theo Sputnik