1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nước nào sẽ nối gót Anh rời EU?

(Dân trí) - Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 24/6 cho thấy cử tri Anh đã quyết định rời Liên minh châu Âu (EU). Liệu kết quả này có dẫn tới "hiệu ứng domino" ở châu Âu hay không? Sau đây là bài phân tích của tạp chí Fortune về những nước có khả năng rời EU trong thời gian tới.

Thủ tướng Anh David Cameron (trái) tuyên bố từ chức sau Brexit (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) tuyên bố từ chức sau Brexit (Ảnh: Reuters)

1. Italy

Tại Italy, dư luận ngày càng tập trung vào tác động của đồng euro với nền kinh tế của nước này. Là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 thuộc khu vực các nước sử dụng đồng euro (Eurozone), tỷ lệ nợ công trên GDP hiện vượt mức 130% và cao thứ 5 thế giới, đang tạo ra những viễn cảnh xấu đối với Italy. Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, chính trường Italy trải qua nhiều biến động. Hiện chính phủ trung tả của Thủ tướng Matteo Renzi đang cố gắng tập trung duy trì ổn định và thúc đẩy tiến hành cải cách. Theo kế hoạch, Thủ tướng Renzi đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 10 tới, trong đó tập trung vào việc trao thêm quyền lực cho Hạ viện và thay đổi quy định về số ghế cho các đảng.

Tuy nhiên, kết quả bầu cử địa phương hồi tuần trước đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch của Thủ tướng Renzi. Với chiến thắng tại Rome và Turin, Phong trào 5 Sao (M5S) đang gây sức ép không nhỏ lên chính phủ của Thủ tướng Renzi và kế hoạch trưng cầu dân ý nêu trên. Trong những tuyên bố trước đây, M5S từng đề cập tới khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Italy rời EU.

2. Các nước thuộc vùng Scandinavia

Với nhiều quốc gia thành viên EU, thái độ không hài lòng với liên minh này là do cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay. Thuỵ Điển, quốc gia có chưa tới 10 triệu dân, đã chấp nhận số người nhập cư tính trên đầu người nhiều hơn bất cứ quốc gia châu Âu nào. Không phải ngẫu nhiên, đảng Dân chủ Thuỵ Điển, một đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa và phản đối người nhập cư, đã giành được vai trò lớn hơn trên chính trường ở nước này thời gian qua.

Đảng Dân chủ Thuỵ Điển thành lập vào năm 1988 song không tìm được chỗ đứng vững chắc cho tới cuộc bầu cử năm 2010. Đó là lần đầu tiên đảng này có ghế trong quốc hội với 5,7% số phiếu ủng hộ. Tại cuộc bầu cử sau đó vào năm 2014, tỷ lệ ủng hộ đảng này đã tăng lên 13%. Kết quả thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ Thuỵ Điển đạt mức 17,3%, qua đó giúp đảng này trở thành đảng lớn thứ 3 trong nước.

Trong khi đó, đảng dân tộc cực hữu True Finn của Phần Lan mới đây cũng nổi lên như một thế lực chính trị sau khi giành được gần 20% phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái. Còn tại Đan Mạch, đảng Nhân dân đã giành được 21% số phiếu ủng hộ trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái. Quan trọng hơn, đảng này có thể thúc đẩy chính sách chống nhập cư bằng cách thành lập chính phủ thiểu số với đảng Tự do.

3. Các nước Đông Âu

Cũng như các nước vùng Scandinavia, cuộc khủng hoảng nhập cư đã gây ra nhiều rắc rối cho những quốc gia thuộc khu vực Đông Âu. Tại Hungary, Chủ tịch Viktor Orban của đảng Fidesz cánh hữu và cũng là Thủ tướng hiện nay của nước này, đang đối diện với mối đe doạ từ đảng Jobbik cực đoan. Trong cuộc bầu cử năm 2006, đảng Jobbik chỉ giành được 2% số phiếu ủng hộ nhưng tới cuộc bầu cử mới đây, đảng này đã giành được 21% phiếu bầu.

Trước thực tế này, Thủ tướng Orban đã quyết định xây hàng rào ở khu vực biên giới để kiểm soát lượng người nhập cư. Đây cũng là hình thức được coi là để giành lại sự ủng hộ của những cử tri theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, những người đã chuyển sang ủng hộ đảng Jobbik thời gian qua.

4. Đức

Trong khi Hungary xây dựng hàng rào ở khu vực biên giới, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại hoan nghênh người nhập cư. Tới nay, hơn 1 triệu người nhập cư đã tới Đức. Tuy nhiên, "cái giá" phải trả với bà Merkel là việc có tới 64% người Đức cho rằng bà không nên ra tranh cử vào năm sau. Tuy nhiên, với việc không có đối thủ nào thực sự có thể cạnh tranh trong cuộc bầu cử sắp tới, bà Merkel và đảng liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) vẫn có nhiều lợi thế.

Ở Đức hiện nay, với sự nổi lên của đảng cánh hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức“ (AfD) - một đảng có tư tưởng cực hữu, bài ngoại, và mới được thành lập năm 2013, đang thu hút sự chú ý. Đảng này không giành nổi 5% số phiếu ủng hộ để có ghế trong quốc hội trong cuộc bầu cử cách đây 3 năm. Tuy nhiên, những kết quả thăm dò mới đây cho thấy đảng này đang có được sự ủng hộ từ 10 đến 12%. Nếu những kết quả này được giữ nguyên tới cuộc bầu cử vào năm tới, AfD sẽ trở thành đảng cánh hữu đầu tiên giành được ghế trong Quốc hội kể từ Chiến tranh Thế giới II.

5. Pháp

Tại Pháp, nguy cơ rời EU xuất hiện ngày càng nhiều. Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia chủ yếu đứng "ngoài" chính trường kể từ khi được bà Jean-Marie Le Pen thành lập hồi năm 1972. Sau thành tích vào tới vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp hồi năm 2002 của bà Le Pen, đảng này đã "mất phong độ". Tuy nhiên, kể từ khi con gái Marine Le Pen lên nắm quyền thay mẹ vào năm 2011, đảng này đã trở lại. Từ quan điểm chống Do Thái và các tư tưởng dân tuý cánh hữu, đảng này đã chuyển sang chống nhập cư, chống hồi giáo và chống việc ở lại EU.

Từ chỗ chỉ giành được 0,1% trong cuộc bỏ phiếu năm 2007, đảng Mặt trận Quốc gia đã giành được 3,7% phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử cách đây 4 năm. Ngày nay, bà Marine Le Pen đang nổi lên như một trong những ứng cử viên cho vị trí Tổng thống Pháp, trong khi đảng của bà có thể giành tới 28% phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử sắp tới. Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, nguy cơ Pháp rời EU sẽ khá cao vì bà Le Pen từng gọi mình là "Quý bà Frexit", đồng thời chính trị gia này từng cam kết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về khả năng Pháp rời EU nếu giành chiến thắng. Vào thời điểm hiện tại, có 55% công dân Pháp cho biết họ muốn có một cuộc trưng cầu dân ý, trong khi 41% khẳng định họ muốn Pháp rời EU.

Ngọc Anh

Theo Fortune