1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngoại trưởng Thụy Sĩ: Hòa bình Ukraine không thể thiếu Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Sau khi lên kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình vào tháng 6, Thụy Sĩ nêu rõ quan điểm rằng, mọi nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột Ukraine sẽ không có kết quả nếu không có sự tham gia của Nga.

Ngoại trưởng Thụy Sĩ: Hòa bình Ukraine không thể thiếu Nga - 1

Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis (Ảnh: Reuters).

Thụy Sĩ đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình cấp cao Ukraine vào tháng 6 tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock, nhằm "tạo ra sự hiểu biết chung về một khuôn khổ thuận lợi" để chấm dứt xung đột và thiết lập một "lộ trình cụ thể" cho hòa bình.

Phát biểu với truyền thông ngày 10/4, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis cho biết, hội nghị được tổ chức theo đề nghị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

"Quốc gia đầu tiên chúng tôi nói chuyện sau Ukraine tất nhiên là Nga. Bởi vì không có tiến trình hòa bình nào có thể diễn ra nếu không có Nga, ngay cả khi nước này không có mặt trong cuộc gặp đầu tiên", ông Cassis nói.

Nhà ngoại giao này thừa nhận rằng, sớm hay muộn Moscow sẽ phải tham gia vào hội nghị hòa bình, nhưng không nhất thiết phải ngay từ ban đầu. Ông gợi ý, hội nghị đầu tiên có thể tập trung vào cách mời Nga tham dự và giao cho nước này vai trò gì.

Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cho biết: "Chúng ta sẽ không ký kế hoạch hòa bình tại hội nghị này. Chúng ta nghĩ sẽ có hội nghị thứ hai, nhưng chúng tôi muốn bắt đầu quá trình đó bằng hội nghị này".

Đến nay, Nga khẳng định sẽ không dự hội nghị hòa bình Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức kể cả được mời. Moscow tuyên bố, bất cứ đàm phán nào về hòa bình Ukraine không có sự tham gia của Nga đều vô nghĩa. Mặt khác, Moscow khẳng định vẫn luôn để ngỏ đàm phán hoặc trực tiếp với Ukraine, hoặc thông qua các nước phương Tây.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tháng trước cho biết trước khi bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán nào, Kiev phải dỡ bỏ lệnh cấm tiếp xúc với giới lãnh đạo hiện tại của Nga. Năm 2022, sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine, Tổng thống Zelensky đã ký sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đã bị đình trệ kể từ tháng 3/2022. Kiev nói rằng, hòa đàm chỉ diễn ra khi Moscow đồng ý rút hết quân, khôi phục đường biên giới 1991 cho Ukraine.

Trả lời phỏng vấn truyền thông, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cũng nêu rõ quan điểm rằng, Nga cần ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Theo ông, cuộc chiến chỉ có thể kết thúc thông qua con đường ngoại giao với Nga. Do vậy, đàm phán với Nga là "không thể tránh khỏi". "Không thể có hòa bình nếu không có Nga", ông nhấn mạnh.

Nhà lãnh đạo Áo cũng lo ngại nguy cơ xung đột Ukraine lan rộng và vượt kiểm soát.

"Lúc đầu, người ta (các nước phương Tây) tuyên bố chỉ cung cấp đạn dược và vũ khí giúp Ukraine phòng vệ. Sau đó, nhiều điều cấm kỵ đột nhiên không còn là điều cấm kỵ. Phương Tây viện trợ xe tăng và bây giờ thậm chí cả máy bay chiến đấu", Thủ tướng Nehammer cho biết.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine