1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ngoại trưởng Mỹ: Crimea là "lằn ranh đỏ" của Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Nỗ lực của Ukraine nhằm giành lại bán đảo Crimea bị coi là "lằn ranh đỏ" và có thể kéo theo phản ứng mạnh của Nga, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo.

Ngoại trưởng Mỹ: Crimea là lằn ranh đỏ của Nga - 1

Cầu Crimea bắc qua eo biển Kerch (Ảnh: Reuters).

Politico ngày 15/2 dẫn các nguồn thạo tin cho hay, trong một cuộc điện đàm kín, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đưa ra quan điểm của Washington đối với kế hoạch của Ukraine nhằm giành lại bán đảo Crimea từ Nga.

Ông Blinken nói, Mỹ không chủ động khuyến khích Kiev làm điều này, nhưng quyết định thuộc về Ukraine. Trọng tâm của Mỹ là giúp Ukraine tiến công ở các khu vực giao tranh, chủ yếu ở Donbass, miền Đông Ukraine.

Theo hai nguồn tin, Ngoại trưởng Blinken không nêu trực tiếp, nhưng thể hiện lập trường rằng việc thúc đẩy giành lại Crimea không phải một động thái khôn ngoan ở thời điểm này. Trong khi hai nguồn khác cho rằng bình luận của Ngoại trưởng Mỹ khẳng định việc lấy lại Crimea là quyết định riêng của Ukraine.

Bình luận này một lần nữa củng cố quan điểm đưa ra những tuần gần đây của giới chức Lầu Năm Góc, những người hoài nghi về khả năng của Kiev trong việc giành lại Crimea trong tương lai gần. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cũng đánh giá, cơ hội Ukraine giành được bất kỳ chiến thắng quân sự hoàn toàn hoặc ngắn hạn rất thấp, đồng thời cảnh báo Nga vẫn có sức mạnh chiến đấu đáng kể bên trong Ukraine. Ông nhận định, xác suất Ukraine đẩy lùi toàn bộ lực lượng Nga khỏi lãnh thổ, bao gồm 4 vùng Nga mới tuyên bố sáp nhập và cả Crimea, là không cao nếu xét về mặt quân sự.

Nga sáp nhập Crimea từ tháng 3/2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi và coi đây là một phần lãnh thổ không thể tách rời, không thể thương lượng. Quan điểm này là một trong những trở ngại khiến các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine bế tắc. Kiev tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine, bao gồm cả vùng Donbass và bán đảo Crimea.

Moscow nhiều lần cảnh báo, nếu phương Tây cấp cho Ukraine những vũ khí có thể tấn công Crimea, đó sẽ là hành động cực kỳ nguy hiểm. "Chỉ cần thảo luận việc cung cấp vũ khí cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ của Nga cũng cực kỳ nguy hiểm. Điều đó có nghĩa là xung đột sẽ leo thang lên một nấc mới, không có lợi cho an ninh của châu Âu và toàn cầu", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 19/1 nhấn mạnh.

Theo một số chuyên gia, trước mắt, Ukraine có thể sẽ không tìm cách giành lại Crimea, thay vào đó là cô lập vùng lãnh thổ này.

"Có 3 điểm quan trọng gồm: cầu đường bộ nối đến Nga, cầu Kerch và căn cứ hải quân ở Sevastopol. Họ sẽ tìm cách tấn công 3 vị trí đó. Điều này khiến lực lượng của Nga bị cắt đứt đường tiếp tế và giáng một đòn mạnh vào nỗ lực quân sự của Nga", Kurt Volker, cựu đặc phái viên Mỹ về vấn đề Ukraine, nhận định.

Crimea hiện bố trí các hệ thống phòng không, kho đạn dược và hàng chục nghìn binh lính Nga. Các đơn vị bộ binh của Moscow thuộc lực lượng trên đang đào hào chiến để củng cố tuyến phòng thủ trải dài hàng trăm km nhằm đối phó với quân đội Ukraine dọc sông Dnipro. Chọc thủng phòng tuyến trên của Nga không hề dễ dàng với quân đội Ukraine.

Ukraine từ lâu kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa để có thể tấn công các mục tiêu nằm sâu sau chiến tuyến của Nga, trong đó có Crimea. Tuy nhiên, giới chức phương Tây được cho là lo ngại việc tấn công vào Crimea sẽ khiến xung đột leo thang, Moscow sẽ có phản ứng mạnh hơn.

Ngoại trưởng Mỹ: Crimea là lằn ranh đỏ của Nga - 2

Nga sáp nhập Crimea từ năm 2014 (Bản đồ: Guardian).

Theo Politico
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm