Ngày đẫm máu ở Myanmar, hơn 80 người biểu tình thiệt mạng
(Dân trí) - Các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình Myanmar tiếp tục nổ ra và khiến hơn 600 người thiệt mạng sau hơn 2 tháng kể từ khi quân đội lật đổ chính quyền dân sự.
Reuters dẫn thông tin từ Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân chính trị (AAPP) cho biết, 82 người biểu tình đã thiệt mạng ở thị trấn Bago, gần thành phố Yangon đêm 9/4 và ngày 10/4. Truyền thông địa phương và các nhân chứng nói rằng, lực lượng an ninh đã dùng súng phóng lựu để giải tán biểu tình ở Bago.
Nếu được xác nhận, số người biểu tình thiệt mạng trong hơn 2 tháng qua ở Myanmar có thể đã lên đến 700 người. Quân đội Myanmar hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Trong một diễn biến liên quan, truyền thông địa phương cho biết một đồn cảnh sát ở Naungmon, bang Shan của Myanmar đã bị tấn công bởi các tay súng thuộc một liên minh các sắc tộc thiểu số ở quốc gia này. Vụ tấn công khiến ít nhất 10 cảnh sát thiệt mạng.
Cuộc khủng hoảng ở Myanmar vẫn chưa lắng xuống ngay cả khi người phát ngôn chính quyền quân sự Myanmar, Chuẩn tướng Zaw Min Tun nói rằng làn sóng biểu tình đang suy yếu và các hoạt động của chính phủ sẽ sớm trở lại bình thường. Quân đội Myanmar đã đơn phương tuyên bố lệnh ngừng bắn kéo dài 1 tháng trong tháng 4. Lệnh ngừng bắn này của quân đội được cho là nhằm hòa hoãn với các nhóm vũ trang thiểu số - lực lượng đứng về phía người biểu tình phản đối binh biến. Tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy, lệnh ngừng bắn này cũng không ngăn được người biểu tình và các nhóm vũ trang thiểu số.
Chính quyền quân sự Myanmar đang phải đối mặt với sức ép từ nhiều phía cả ở trong nước và quốc tế. Các nước phương Tây trong đó có Mỹ, Anh và các nước Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục áp lệnh trừng phạt với các tướng lĩnh Myanmar và các doanh nghiệp có liên quan đến lợi ích kinh tế của quân đội Myanmar.
Hôm qua, 18 đại sứ tại Myanmar đã ra một tuyên bố chung kêu gọi khôi phục nền dân chủ tại nước này. "Chúng tôi ủng hộ hy vọng và nguyện vọng của tất cả những người tin tưởng vào một Myanmar tự do, công bằng, hòa bình và dân chủ. Bạo lực phải chấm dứt, tất cả những người bị giam giữ phải được trả tự do và nền dân chủ phải được khôi phục", tuyên bố chung nêu rõ. Ký vào tuyên bố này có đại sứ của Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu, Canada, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và một số nước châu Âu.
Các đại sứ Myanmar ở nước ngoài cũng bắt đầu gây sức ép với chính quyền quân sự. Bà Kaiyar cho biết, bà bắt đầu hành động sau khi Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun lên án binh biến ở đất nước vào cuối tháng 2. Cụ thể, trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, ông Kyaw Moe Tun đã kêu gọi quốc tế gây sức ép để buộc quân đội Myanmar khôi phục nền dân chủ. Bà Kalyar không phải đại sứ duy nhất của Myanmar phản đối binh biến. Đại sứ Myanmar tại London (Anh) Kyaw Zwar Minn tháng trước cũng bắt đầu lên án binh biến ở quê nhà. Hành động này khiến ông bị cấp dưới tiếm quyền, nhốt ông bên ngoài đại sứ quán ở London hồi đầu tuần này.