1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga - Ukraine đối đầu quyết liệt trên bầu trời

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, dù lực lượng Nga gặp khó trong việc kiểm soát hoàn toàn không phận Ukraine nhưng Moscow có những vũ khí có sức mạnh vượt trội so với đối phương.

Nga - Ukraine đối đầu quyết liệt trên bầu trời - 1

Một máy bay MiG-31 của Nga (Ảnh: Sputnik).

Trong 10 tháng chiến sự bùng phát giữa Nga và Ukraine, giới quan sát đã chỉ ra nhiều lý do dẫn tới việc Moscow không thể kiểm soát hoàn toàn không phận của đối thủ.

Tuy nhiên, theo Business Insider, có một sự thật không thể phủ nhận rằng Ukraine đang đối mặt với một đối thủ có không quân vượt trội về cả khí tài và tiềm lực.

Trước đó, viện nghiên cứu RUSI (Anh) đánh giá, với lợi thế về quân số và khí tài của Nga, Ukraine khó có thể thắng trong cuộc chiến trên không nếu không có sự giúp đỡ của phương Tây, bất kể các phi công Ukraine tác chiến thành công đến đâu.

Hồi tháng 7, nhà phân tích Robert Farley nhận định rằng, việc áp đảo phòng không đối phương (SEAD) là không dễ dàng. Theo ông này, các máy bay Nga dường như gặp phải khó khăn trong việc phát hiện và tiêu diệt phòng không Ukraine.

Một thách thức mà Nga phải đối mặt là sự phát triển ngày càng nhanh của các tên lửa phòng không. Ukraine được phương Tây chuyển giao cho nhiều loại hỏa lực hiện đại và việc đưa máy bay vào tầm của những tên lửa này để tìm cách kiểm soát không phận không phải là ý kiến sáng suốt.

Với Nga, dù vượt trội hơn Ukraine về tiềm lực quân sự, Moscow không thể đặt dàn tiêm kích của họ rơi vào kịch bản rủi ro trong một cuộc chiến tiêu hao sinh lực lớn và lâu dài như vậy. Việc thay thế tiêm kích, đào tạo lại phi công không phải là điều có thể một sớm một chiều làm được. Vì vậy, Nga đã không đánh cược các quân nhân và máy bay tốt nhất của họ để theo đuổi mục tiêu vừa khó thực hiện vừa khó duy trì lâu dài như SEAD.

Tiêm kích MiG-31 Nga tác chiến trong chiến sự ở Ukraine

Business Insider nhận định, tên lửa và radar đang là 2 khí tài giúp Nga đạt được ưu thế trên không trước đối thủ.

Điều này có được là do Không quân Nga đã quyết định thay đổi chiến thuật, tập trung vào sử dụng tên lửa không đối không tầm xa. Các máy bay mang những tên lửa này đều nằm ngoài tầm tấn công của đối thủ.

Nga trong thời gian qua đã sử dụng Su-35S và MiG-31 thực hiện chiến thuật "nhìn xuống, bắn hạ". Các máy bay Nga sẽ duy trì độ cao, sử dụng hệ thống radar uy lực quét toàn bộ khu vực phía dưới, rồi truy dò mục tiêu đối thủ để phóng tên lửa không đối không chính xác ở khoảng cách vài trăm km. Nga tuyên bố đã phá hủy nhiều máy bay Ukraine bằng chiến thuật này và Kiev vốn chỉ sở hữu các tên lửa không đối không tầm bắn dưới 100km và không có quá nhiều hệ thống phòng không, nên họ không kịp ứng phó với các đòn tấn công từ Nga.

Trong các tình huống phù hợp, một máy bay chiến đấu của Nga bay nhanh và ở độ cao 12.000m có thể bắn rơi một tiêm kích của Ukraine đang bay thấp để tránh bị radar mặt đất Nga phát hiện.

Một điểm mạnh của Nga chính là tiêm kích của họ được trang bị tên lửa không đối không R-77-1. Đây là loại vũ khí hoạt động theo cơ chế "bắn và quên", có thể tấn công mục tiêu một cách độc lập nhờ hệ thống tìm kiếm radar chủ động. Điều này đảm bảo tên lửa này bắn ra là sẽ có khả năng cao bắn trúng mục tiêu trong tầm hoạt động. Trong khi đó, tên lửa R-27 Ukraine chỉ có radar bán chủ động yêu cầu máy bay phóng chỉ dẫn mục tiêu liên tục để tên lửa có thể phát hiện ra.

Khi các tiêm kích Ukraine chỉ đường cho R-27 tấn công, các máy dò cảnh báo radar trên máy bay Nga có thể nhận biết, cho phép phi công Nga kích hoạt thiết bị gây nhiễu và mồi nhử hoặc lẩn tránh. Trong khi đó, radar trên tên lửa R-77-1 của Nga không hoạt động cho đến vài giây trước khi nó chạm đích, giúp giảm thời gian phản ứng của các phi công Ukraine.

"Trong suốt cuộc chiến, các máy bay chiến đấu của Nga thường xuyên có thể khóa radar và phóng tên lửa R-77-1 vào các máy bay chiến đấu Ukraine ở khoảng cách hơn 100km", báo cáo của RUSI cho biết.

Theo viện nghiên cứu của Anh, các cuộc tuần tra chiến đấu trên không tầm cao của Nga với Su-35S và gần đây là với MiG-31BM đang tiếp tục "bắn hạ một số lượng đáng kể máy bay tấn công mặt đất của Ukraine gần tiền tuyến từ khoảng cách khiến tất cả các phi cơ Moscow không thể bị bắn trả".

Một loại tên lửa của Nga được giới quan sát đưa vào tầm chú ý trong thời gian qua là R-37M trên tiêm kích MiG-31BM. R-37M có tầm bắn trên 320km, tốc độ nhanh, và đầu dò phù hợp tấn công mục tiêu tầm thấp khiến nó  trở nên đặc biệt nguy hiểm khiến Ukraine chưa thể hóa giải.

Một vấn đề Nga phải đối mặt là họ chưa có số lượng máy bay tiếp dầu đủ lớn để có thể duy trì việc bay tuần tra thời gian dài. Tuy nhiên, Ukraine cũng vẫn chịu áp lực lớn khi tác chiến vì không biết có thể bị tấn công từ khoảng cách hàng trăm km vào lúc nào.

Theo Business Insider
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm