1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga tuyên bố tấn công vào trung tâm ra quyết định của quân đội Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Nga xác nhận tập kích tên lửa vào trung tâm chỉ huy của quân đội Ukraine trong vụ tấn công đêm 20/3, rạng sáng 21/3.

Nga tuyên bố tấn công vào trung tâm ra quyết định của quân đội Ukraine - 1

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ ba (Ảnh: TASS).

"Đêm qua, không quân Nga đã không kích bằng vũ khí chính xác tầm xa, trong đó có tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, nhằm vào các trung tâm ra quyết định của quân đội Ukraine, các căn cứ tiếp tế hậu cần và điểm tập kết tạm thời của binh sĩ Ukraine cũng như lính đánh thuê nước ngoài. Cuộc tập kích đã đạt tất cả mục tiêu đề ra", Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong thông cáo cuối ngày 21/3.

Xác nhận trên được đưa ra sau khi giới chức Ukraine cho biết, sau 44 ngày yên ắng, rạng sáng 21/3, thủ đô Kiev bị tập kích tên lửa với quy mô lớn nhất trong nhiều tuần trở lại đây.

Các mảnh vỡ tên lửa bị bắn hạ sau vụ tập kích khiến ít nhất 17 người bị thương, nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hại. Giới chức Ukraine cho rằng, cuộc tập kích này nhắm đến trụ sở Bộ Quốc phòng Ukraine, song toàn bộ 31 tên lửa đã bị bắn hạ.

"Kiev chưa ghi nhận vụ tấn công nào mạnh như vậy kể từ mùa xuân. Đối phương đã sử dụng kết hợp cả tên lửa và máy bay không người lái", người đứng đầu chính quyền Kiev Serhiy Popko cho hay.

Ukraine phải rút quân khỏi một số khu vực để củng cố phòng thủ

Nga tuyên bố tấn công vào trung tâm ra quyết định của quân đội Ukraine - 2

Binh sĩ Ukraine khai hỏa (Ảnh: New York Times).

"Chúng tôi biết, hiện giờ Ukraine phải đưa ra những quyết định chiến lược về việc rút quân khỏi một số khu vực nhất định để tăng cường tuyến phòng thủ. Đó thực sự là những quyết định khó khăn mà họ phải đưa ra vì chúng ta không cung cấp cho họ những vũ khí, năng lực mà họ cần", người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết hôm 21/3.

Bà Singh cho biết, hiện giờ chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn hỗ trợ khẩn cấp Ukraine thông qua đặc quyền của Tổng thống. Tuy nhiên, nguồn viện trợ đó là chưa đủ đáp ứng nhu cầu của Ukraine và cách tốt nhất là quốc hội Mỹ cần nhanh chóng phê chuẩn gói viện trợ bổ sung trị giá hơn 60 tỷ USD cho Kiev.

Mỹ là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022. Tuy nhiên nguồn viện trợ này bị đình trệ từ cuối năm ngoái do quốc hội Mỹ không thể đồng thuận về vấn đề hỗ trợ Ukraine và tăng cường an ninh biên giới.

Trong bối cảnh thiếu hụt đạn dược nghiêm trọng, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi tháng trước thừa nhận Kiev đã chuyển từ tấn công sang phòng thủ. Ukraine phải quyết định rút quân khỏi một số khu vực, trong đó có thành trì Avdiivka ở tỉnh Donetsk, miền Đông nước này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liệu Mỹ có cân nhắc đưa quân đến Ukraine hay không, bà Singh cho biết, Tổng thống Biden đã nêu rõ, Mỹ sẽ không triển khai lực lượng quân sự ở Ukraine. "Chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine thông qua các gói viện trợ", người phát ngôn Lầu Năm Góc nhấn mạnh.

Theo Defense News
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine