Nga tiết lộ năng lực sản xuất vũ khí dù bị áp hàng nghìn lệnh cấm vận
(Dân trí) - Bất chấp bị phương Tây áp hàng chục nghìn lệnh trừng phạt, tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga vẫn tăng cường nỗ lực sản xuất, đảm bảo duy trì ưu thế của Moscow trước Ukraine.
Vào năm 2023, Lực lượng Vũ trang Nga đã nhận được một lượng lớn vũ khí quân sự, bao gồm hơn 1.500 xe tăng và 22.000 máy bay không người lái, TASS đưa tin, trích dẫn tài liệu cuối năm của Bộ Quốc phòng Nga.
Nga cũng được bàn giao các lô hàng gồm hơn 2.200 xe chiến đấu bọc thép, hơn 1.400 tổ hợp rocket và pháo binh.
Ngoài ra, Lực lượng Vũ trang còn tiếp nhận hơn 12.000 phương tiện ô tô, trong đó hơn 10%, tương đương 1.400 chiếc được bọc thép. Một số quan chức cấp cao của Nga trước đây cũng cho hay Moscow đã tăng cường sản xuất vũ khí.
Vào tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập đến tình trạng sản xuất quốc phòng của Nga trong cuộc họp của Ủy ban Công nghiệp - Quân sự ở Izhevsk.
Ông Putin tuyên bố Nga đã tăng đáng kể sản xuất xe tăng chiến đấu và xe bọc thép, ghi nhận sản lượng tăng gấp đôi từ tháng 1 đến tháng 8/2023 so với cùng kỳ năm 2022.
Ông nhấn mạnh rằng việc sản xuất một số hệ thống vũ khí có nhu cầu cao đã tăng gấp 3 lần trong khoảng thời gian nói trên. Theo đánh giá của các chuyên gia ở phương Tây, hoạt động sản xuất vũ khí của Nga đã tăng đáng kể, vượt mức trước năm 2022 bất chấp họ phải chịu hàng nghìn lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt.
Nguồn tin từ giới chức NATO cho hay, Nga đang trên đà sản xuất hơn 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm, tăng gấp đôi tốc độ sản xuất trung bình trước khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Vào tháng 10, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tiết lộ rằng Nga tăng cường sản xuất tất cả các loại vũ khí.
Ông tuyên bố: "Việc sản xuất vũ khí và các loại thiết bị đặc chủng đang ngày càng đa dạng từ xe tăng và súng cho đến tên lửa và máy bay không người lái có độ chính xác cao", đồng thời bác bỏ những phân tích cho rằng Nga sẽ sớm cạn kiệt năng lực quân sự.
Mặt khác, doanh số xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm đáng kể trong thời gian qua khi ngành quốc phòng nước này sắp xếp lại trọng tâm, ưu tiên cung cấp tài nguyên cho lực lượng quân sự đang tham chiến ở Ukraine.
Sự thay đổi này gây ra hậu quả là lĩnh vực quốc phòng bị giảm đáng kể doanh thu, gây thêm căng thẳng tài chính cho Điện Kremlin.