1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga: Phương Tây bị "sốc" vì Moscow vững vàng trước lệnh trừng phạt dồn dập

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức cấp cao Nga cho rằng phương Tây bị sốc và bất ngờ trước cách mà Moscow đã vượt qua hàng nghìn lệnh trừng phạt từ Mỹ và đồng minh trong gần 2 năm qua.

Nga: Phương Tây bị sốc vì Moscow vững vàng trước lệnh trừng phạt dồn dập - 1

Phó thủ tướng Nga Andrey Belousov (Ảnh: Reuters).

Phó thủ tướng Nga Andrey Belousov ngày 5/11 nhận định rằng, khả năng phục hồi của Nga trước áp lực trừng phạt chưa từng có của phương Tây đã khiến Mỹ và các đồng minh bất ngờ.

Ông nói thêm, Moscow đã đạt được chủ quyền kinh tế thực sự và thể hiện khả năng theo đuổi chính sách độc lập cũng như bảo vệ lợi ích quốc gia bất chấp mọi áp lực từ bên ngoài.

"Phương Tây bị sốc khi Nga đứng vững trước các lệnh trừng phạt. Chúng tôi đã được dự báo trước về một tình hình tiêu cực có thể so sánh với những năm 1990", ông nói.

Trong những năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga từng phải trải qua thời kỳ siêu lạm phát, lên tới 2.500% vào năm 1992 và sau đó phải trải qua tình trạng vỡ nợ kỹ thuật vào năm 1998. Đây được xem là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của đất nước, tuy nhiên Nga đã vượt qua, theo RT.

Khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế lên Nga, nhắm vào các hệ thống tài chính cũng như ngành hàng không và vũ trụ.

Một số ngân hàng Nga đã bị cắt khỏi hệ thống giao dịch SWIFT trong khi nhiều công ty nước ngoài tuyên bố sẽ ngừng hoạt động tại nước này.

GDP của Nga đã giảm 2,1% vào năm ngoái, trước hơn 10.000 lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, theo Tổng thống Vladimir Putin, tính đến tháng 10 năm nay, Nga đã hoàn toàn phục hồi sau đợt suy thoái này. Điện Kremlin cho biết rằng vào năm 2023, GDP của Nga dự kiến sẽ tăng 2,8%, bất chấp áp lực kinh tế.

Các tổ chức tài chính phương Tây cũng ghi nhận sự phục hồi kinh tế của Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến GDP của Nga sẽ tăng 2,2% vào năm 2023, tăng so với dự báo tháng 4 là 0,7% và dự báo tháng 7 là 1,5%.

Theo ông Belousov, Nga đã bước vào "thời kỳ củng cố chủ quyền" vào năm 2022. Phó thủ tướng Nga cũng cho rằng chủ quyền kinh tế không có nghĩa là bị cô lập mà là khả năng theo đuổi chương trình đã định và tuân theo các mục tiêu của chính quốc gia đó trong một "thế giới đang thay đổi".

Trước đó, Điện Kremlin thừa nhận rằng chính phủ Nga bất ngờ trước dự đoán về tăng trưởng của nước này trong năm nay, bất chấp tình hình khó khăn suốt 1 năm 9 tháng vừa qua.

Người phát ngôn Dmitry Peskov cho rằng những thành tựu kinh tế của Nga là kết quả của nỗ lực từ các cơ quan quản lý tài chính và kinh tế của đất nước.

"Kết quả giờ đây cho thấy những điều chúng ta đã làm là hoàn toàn chính xác và chúng ta tự tin tiến về phía trước: Sản xuất ngày càng tăng, nông nghiệp ngày càng phát triển", ông Peskov nói.

Cuối tháng trước, Điện Kremlin tuyên bố nền kinh tế Nga đã dần thích nghi và sẵn sàng chống chọi với các lệnh trừng phạt của phương Tây thêm nhiều năm nữa.

Nga cảnh báo những động thái cấm vận sẽ làm tổn hại đến lợi ích của phương Tây trong khi nền kinh tế Nga đang thích nghi tốt.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko ngày 3/11 cho biết tổng thiệt hại của EU do các lệnh trừng phạt và việc cắt giảm quan hệ kinh tế với Nga có thể lên tới 1.500 tỷ USD.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine