1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga nói Ukraine bác ý tưởng hòa giải, ra tối hậu thư với Moscow

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Nga cho rằng Ukraine bác mọi ý tưởng hòa giải, đồng thời ra tối hậu thư cho Moscow theo công thức hòa bình của Kiev.

Nga nói Ukraine bác ý tưởng hòa giải, ra tối hậu thư với Moscow - 1

Binh sĩ Ukraine chiến đấu ở Bakhmut (Ảnh: Reuters).

Alexey Polishchuk, Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cho biết Moscow đánh giá cao nỗ lực của các nước thứ ba trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc xung đột Ukraine.

"Tuy nhiên, Kiev bác bỏ mọi ý tưởng hòa giải. Họ mù quáng dựa vào logic của tối hậu thư liên quan đến Nga, được đưa ra dưới vỏ bọc của công thức hòa bình của (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky", ông Polishchuk nói, đồng thời cho biết Ukraine đang tìm cách "đánh lạc hướng các đối tác của mình".

Theo nhà ngoại giao Nga, Moscow sẽ tiếp tục đối thoại về triển vọng giải quyết hòa bình xung đột Ukraine với các đối tác Trung Quốc, Brazil, châu Phi. Đây là những bên có "đề xuất mang tính xây dựng và thực chất" cho cuộc xung đột hiện nay.

Hồi tháng 6, Tổng thống các nước gồm Nam Phi, Senegal, Comoros và Zambia đã đến St. Petersburg để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng với bản kế hoạch hòa bình 10 điểm nhằm thuyết phục Ukraine và Nga bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã thảo luận về một kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm mà họ cho rằng có thể giúp chấm dứt chiến tranh Nga và Ukraine. Nhưng cũng tương tự các nhà lãnh đạo châu Phi, các động thái của Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa thể giúp hai bên ngồi vào bàn đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng.

Trước đó, trong bài phát biểu trước hội nghị lãnh đạo các quốc gia G20 tại Bali, Indonesia hôm 16/5, Tổng thống Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình 10 điểm nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine. Bản kế hoạch của Tổng thống Zelensky bao gồm các điểm như đảm bảo an toàn về hạt nhân và lương thực cho Ukraine, áp giá trần cho dầu mỏ và khí đốt của Nga, cũng như thiết lập một nghị định thư về hòa bình giữa Kiev và Moscow.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi gặp các nhà lãnh đạo châu Phi ở St. Petersburg hôm 29/7, Tổng thống Putin nói rằng "sáng kiến của châu Phi có thể là cơ sở của một số quá trình nhằm tìm kiếm hòa bình, giống như những sáng kiến khác, chẳng hạn sáng kiến hòa bình của Trung Quốc".

Tổng thống Putin cho biết một trong những điều khoản trong sáng kiến hòa bình của châu Phi là lệnh ngừng bắn, nhưng quân đội Ukraine đang phản công và Nga không thể ngừng bắn khi đang bị tấn công.

Theo nhà lãnh đạo Nga, Moscow không từ chối đàm phán, nhưng để quá trình này bắt đầu, "cần phải có sự đồng thuận của cả hai bên".

"Mọi khác biệt phải giải quyết trên bàn đàm phán. Vấn đề là Ukraine vẫn từ chối đối thoại với chúng tôi", ông Putin nói.

Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine bế tắc kể từ tháng 3 năm ngoái dù hai bên khẳng định vẫn để ngỏ đối thoại.

Nga tuyên bố chiến dịch quân sự chỉ chấm dứt khi Ukraine chấp nhận "thực tế lãnh thổ mới", nghĩa là công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga gồm Crimea, Kherson, Zaporizhia, Lugansk và Donetsk.

Trong khi đó, Kiev tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Moscow rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo đường biên giới được công nhận năm 1991. Chính quyền Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, mọi kế hoạch hòa bình phải dựa trên nền tảng kế hoạch 10 điểm mà ông đưa ra hồi cuối năm ngoái.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine