Nga nêu điều kiện đàm phán hòa bình ở Ukraine
(Dân trí) - Nga không bao giờ từ chối đàm phán hòa bình, nhưng để bắt đầu đàm phán, Ukraine và phương Tây cần "thừa nhận thực tế".
"Chúng tôi không cần kiểu đàm phán mà phương Tây muốn. Chúng đơn giản là có hại. Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán, Tổng thống của chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại điều đó. Điểm khởi đầu rất đơn giản, chỉ cần (Ukraine, phương Tây) thừa nhận thực tế", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 5/10 phát biểu.
Moscow nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Tuy nhiên, Kiev đã bác bỏ yêu cầu này và tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine.
Xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài gần 600 ngày nhưng chưa có dấu hiệu lắng xuống. Hai bên từng ngồi vào bàn đàm phán ngay từ những ngày đầu xung đột nổ ra, song không đạt được kết quả và bị gián đoạn từ tháng 3 năm ngoái.
Ông Medvedev cáo buộc phương Tây tìm cách "thao túng" quá trình đàm phán ở Ukraine nhằm làm suy yếu Nga, trong khi cho phép Ukraine có thời gian để tập hợp lực lượng.
"Dấu hiệu phương Tây hụt hơi rất rõ ràng. Điều này bao gồm cả hoạt động viện trợ cho Ukraine bởi vì họ không thể đầu tư quá nhiều cho một quốc gia khác, bởi vì điều đó sẽ khiến đại đa số người dân ở châu Âu và đặc biệt ở Mỹ tức giận", ông Medvedev nói.
Ông cho rằng, cùng lúc đó, phương Tây dùng nhiều kế khác nhau để dụ Nga, giúp Ukraine có thêm thời gian tập hợp. "Mục đích của họ là thực thi một quá trình đàm phán nhằm làm suy yếu Nga, mặt khác giúp đối thủ của chúng ta tập hợp lực lượng".
Trong một diễn biến liên quan, pháp sư tối cao Cộng hòa Tuva (thuộc Nga) Kara-ool Dopchun-oo ngày 5/10 dự đoán sẽ không xảy ra chiến tranh hạt nhân. Theo pháp sư này, phương Tây cần "biết điều" và nhận thức được rằng họ không thể đánh bại Moscow.
Pháp sư Dopchun-oo nói, đàm phán hòa bình là cách duy nhất để chấm dứt xung đột.
"Lãnh đạo Ukraine đang kéo dài cuộc chiến này bằng vũ lực, đề nghị nước khác viện trợ tài chính và vũ khí... Chúng ta phải sớm chấm dứt cuộc chiến này. Điều này chỉ đạt được thông qua đàm phán, hiệp ước hòa bình", ông nói.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi về khả năng chấm dứt chiến sự ở Ukraine, Tổng thống Putin hôm 12/9 nói rằng Nga không thể ngừng chiến sự nếu Ukraine tiếp tục phản công.
Ông Putin tuyên bố, Ukraine sẽ phải hủy bỏ sắc lệnh loại trừ các cuộc đàm phán với Nga nếu muốn có bất kỳ triển vọng đàm phán nào nhằm chấm dứt xung đột.