1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga bác "tối hậu thư", nêu điều kiện đàm phán với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Nga tuyên bố Moscow coi trọng sáng kiến của các nước khác trong việc giải quyết vấn đề Ukraine, nhưng lập trường của Kiev chính là vật cản.

Nga bác tối hậu thư, nêu điều kiện đàm phán với Ukraine - 1

Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Gennady Gatilov (Ảnh: TASS).

"Một loạt quốc gia: Trung Quốc, các nước Trung Đông và các nước châu Phi đã đưa ra các sáng kiến tương tự (để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine). Chúng tôi rất coi trọng những đề xuất này. Chúng tôi thấy rằng, mong muốn của các quốc gia này đóng vai trò tích cực trong tiến trình chính trị", ông Gennady Gatilov, đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc, phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-24 ngày 29/9.

"Thật không may, mọi thứ đều bị cản trở bởi lập trường của Ukraine và lập trường của tổng thống nước này, Volodymyr Zelensky, người đã ban hành sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán chính trị với Nga về tình hình ở Ukraine", ông Gatilov cho biết.

Nhà ngoại giao Nga cho rằng việc này được thực hiện "theo chỉ dẫn của các nhà bảo trợ phương Tây". Ông cũng nhắc lại rằng, các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine đã bắt đầu ở Istanbul từ hai năm trước và một nền tảng nhất định đã được đặt ra, nhưng sau đó phái đoàn Ukraine đã rời khỏi các cuộc đàm phán và không tham gia vào quá trình tiếp theo nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột.

"Chừng nào phía Ukraine vẫn giữ vững lập trường như vậy và chừng nào họ vẫn tuyên bố sẽ chỉ đàm phán dựa trên công thức của ông Zelensky, vốn không khác gì một tối hậu thư, thì sẽ không có cơ hội để tiến hành các cuộc đàm phán mang tính xây dựng", ông Galitov tuyên bố.

Trước đó, ông Gatilov hồi tháng 7 khẳng định, Moscow vẫn sẵn sàng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine bằng chính trị và ngoại giao. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, triển vọng này hiện rất mong manh do lập trường của Kiev và các đồng minh phương Tây.

"Phía Ukraine phải ngừng các hành động thù địch và ngồi xuống bàn đàm phán, đồng thời phương Tây phải ngừng bơm vũ khí cho Ukraine và gửi lính đánh thuê tới đó", ông Gatilov nói.

Vào tháng 10/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký một sắc lệnh, tuyên bố triển vọng tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào với Tổng thống Putin là "không thể". Sắc lệnh được đưa ra trong bối cảnh Nga tiến hành sáp nhập 4 vùng lãnh thổ tại Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.

Tổng thống Putin đầu tháng này khẳng định Nga luôn sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine. Tuy nhiên, ông cho biết, Nga không nhận được đề xuất nào về sáng kiến hòa bình mới liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine.

Nga nhiều lần tuyên bố chiến dịch quân sự chỉ chấm dứt khi Ukraine chấp nhận "thực tế lãnh thổ mới", nghĩa là công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.

Trong khi đó, Kiev tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Moscow rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo đường biên giới được công nhận năm 1991.

Chính quyền Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, mọi kế hoạch hòa bình phải dựa trên nền tảng kế hoạch 10 điểm mà ông đưa ra hồi cuối năm ngoái.

Trả lời câu hỏi về khả năng chấm dứt chiến sự ở Ukraine, Tổng thống Putin hôm 12/9 nói rằng Nga không thể ngừng chiến sự nếu Ukraine tiếp tục phản công.

Ông Putin tuyên bố, Ukraine sẽ phải hủy bỏ sắc lệnh loại trừ các cuộc đàm phán với Nga nếu muốn có bất kỳ triển vọng đàm phán nào nhằm chấm dứt chiến tranh.

Theo Tass