1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga nêu điều kiện đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine chỉ có thể nối lại khi Kiev thay đổi lập trường và tạo những điều kiện cần thiết cho đàm phán, Điện Kremlin tuyên bố.

Nga nêu điều kiện đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: TASS).

"Trong bất cứ trường hợp nào, chính quyền Kiev sẽ phải bắt đầu cuộc đối thoại này bằng việc thừa nhận thực tế đã hình thành kể từ khi Kiev từ chối giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp hòa bình", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu với truyền thông ngày 11/9.

Ông cho biết, hòa đàm có thể và sẽ diễn ra nếu Nga thấy có khả năng đạt được các mục tiêu thông qua các biện pháp phi quân sự. Mặt khác, ông Peskov cho hay, hiện tại, Moscow chưa thấy điều đó.

"Đến hôm nay, chúng tôi vẫn chưa thấy những điều kiện tiên quyết để nối lại quá trình hòa đàm", ông Peskov nói.

Ông nhấn mạnh: "Nga không có lựa chọn nào ngoài tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt để đạt các mục tiêu đã đặt ra. Chúng tôi phải đạt được mục tiêu. Chúng tôi phải đảm bảo an ninh của mình, giải quyết các vấn đề bằng các cam kết an ninh dành cho chúng tôi, cho các thế hệ tương lai. Chúng tôi phải ngăn chặn một chính quyền dân túy do NATO giật dây gần biên giới".

Theo ông Peskov, dự thảo thỏa thuận mà Nga và Ukraine gần thông qua hồi tháng 3 năm ngoái là bằng chứng cho thấy Moscow luôn sẵn sàng đàm phán. Tuy nhiên, Kiev đã từ bỏ vào phút chót.

"Đột nhiên, dường như nhận được chỉ lệnh từ đâu đó trên thế giới, các nhà đàm phán Ukraine đứng dậy, rời bàn đàm phán. Đến hôm nay, dự thảo thỏa thuận đó vẫn chỉ nằm trên giấy tờ, không hơn", ông Peskov nói và cáo buộc chính quyền Kiev kể từ đó không có ý định nối lại hòa đàm.

Chính quyền Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky nhiều lần tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi họ đạt được mục tiêu đẩy lùi toàn bộ lực lượng Nga khỏi lãnh thổ. Ông Zelensky đã ký ban hành luật cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Kiev nhấn mạnh, "công thức hòa bình" 10 điểm do ông Zelensky đưa ra là giải pháp công bằng duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột hiện nay. Theo công thức này, Ukraine đề nghị Nga phải rút hết quân, bồi thường thiệt hại và đối mặt với tòa án quốc tế.

Tuy nhiên, giới chức Nga cho rằng, những yêu cầu của Kiev xa rời thực tế. Moscow nói, Kiev cần phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ", nghĩa là thừa nhận việc Crimea và 4 tỉnh gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia đã sáp nhập vào Nga.

Tổng thống Zelensky cuối tuần qua nêu rõ, một số đối tác phương Tây có thể muốn gây sức ép để Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga, nhưng Kiev cho rằng hiện giờ chưa phải lúc có thể hòa đàm. Ông một lần nữa bác bỏ ý tưởng nhượng bộ với Nga để chấm dứt xung đột. Ông tuyên bố, "chừng nào lực lượng Nga còn trên lãnh thổ Ukraine", cuộc xung đột còn tiếp diễn.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Ukraine sẽ đàm phán nếu có sáng kiến từ Nga.

"Ukraine có quyền quyết định mọi chuyện sẽ kết thúc như thế nào và ranh giới sẽ được vạch ra ở đâu. Khi đàm phán phải có hai bên", ông Blinken trả lời phỏng vấn hôm 10/9.

Ông Blinken cho hay, Mỹ sẽ hỗ trợ Kiev nếu họ tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Nga. Mặt khác, ông nhấn mạnh Ukraine sẽ không từ bỏ yêu sách đối với các vùng lãnh thổ của mình.

Theo RT, TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine