1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Ukraine nói về triển vọng đàm phán chấm dứt xung đột

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng một số đối tác phương Tây có thể muốn gây sức ép để Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga, nhưng Kiev cho rằng hiện giờ chưa phải lúc có thể hòa đàm.

Tổng thống Ukraine nói về triển vọng đàm phán chấm dứt xung đột - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Trả lời phỏng vấn Economist cuối tuần qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông đã sẵn sàng cho một cuộc xung đột dài hơi với Nga khi triển vọng hòa đàm vẫn mờ mịt.

"Tôi phải sẵn sàng, đội ngũ của tôi cũng phải sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài", ông nói.

Ông Zelensky một lần nữa bác bỏ ý tưởng nhượng bộ với Nga để chấm dứt xung đột. Ông tuyên bố, "chừng nào lực lượng Nga còn trên lãnh thổ Ukraine", cuộc chiến còn tiếp diễn.

Ông cho biết thêm: "Một số đối tác có thể coi những khó khăn gần đây của Ukraine trên chiến trường là lý do buộc chúng tôi phải đàm phán với Nga. Tuy nhiên, bây giờ không phải thời điểm thích hợp, bởi vì Nga cũng cảm thấy như vậy".

Theo ông Zelensky, Nga đang tìm cách vắt kiệt nguồn lực của Ukraine, song nguồn lực của chính Nga cũng đang hạn chế và Moscow sẽ bất lợi nếu xung đột kéo dài.

Với Ukraine, ông Zelensky cho biết việc duy trì viện trợ của các đối tác sẽ vô cùng khó khăn khi những nước này đang đứng trước thềm các cuộc bầu cử quan trọng, đặc biệt nếu  Kiev không đạt được những bước tiến đáng kể trên chiến trường.

Ông thừa nhận rủi ro nếu phương Tây bắt đầu cắt giảm viện trợ. Khi đó, Ukraine có thể sẽ phải "quân sự hóa hoàn toàn nền kinh tế".

Nhà lãnh đạo Ukraine hy vọng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev nếu ông tái đắc cử vào năm sau.

Mặt khác, ông Zelensky cảnh báo, nếu các đồng minh cắt viện trợ cho Ukraine, điều này sẽ chỉ khiến xung đột kéo dài và kéo theo rủi ro cho phương Tây ngay tại sân sau của mình.

Theo ông, không thể đoán trước được hàng triệu người tị nạn Ukraine ở các nước châu Âu sẽ phản ứng thế nào khi đất nước họ bị bỏ rơi. Người Ukraine nhìn chung đã "cư xử tốt và rất biết ơn" những người đã tiếp nhận họ, nhưng đó sẽ không phải là một câu chuyện hay cho châu Âu nếu "dồn họ vào bước đường cùng".

Cuộc phản công của Ukraine đã bước sang tháng thứ 4, nhưng chưa đạt được bước đột phá do hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga. Điều này làm dấy lên lo ngại Mỹ và một số đồng minh có thể giảm viện trợ sau hơn một năm cung cấp cho Ukraine.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley ngày 10/9 nhận định Ukraine có thể chỉ còn khoảng 30 đến 45 ngày để phản công trước khi thời tiết trên thực địa xấu đi.

"Vẫn còn khoảng thời gian hợp lý là 30-45 ngày thời tiết thuận lợi. Sau đó, mưa và bùn lầy sẽ ảnh hưởng tới khả năng cơ động trên chiến trường. Tôi đã nói ngay từ đầu cuộc xung đột này rằng chiến sự sẽ kéo dài, chậm chạp, khó khăn và gây ra nhiều thương vong, và chính xác là như vậy", ông cho biết.

Sau mùa thu ẩm ướt, lầy lội là mùa đông, tình hình thời tiết có thể khiến chiến sự Ukraine đóng băng hoặc diễn tiến chậm, gây trở ngại cho bên phản công.

Mặc dù vậy, người đứng đầu Tổng cục tình báo quân đội Ukraine Kyrylo Budanov khẳng định cuộc phản công của nước này sẽ tiếp tục bất chấp thời tiết gây khó khăn hơn cho hoạt động chiến đấu.

Theo Pravda, Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine