1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga nâng cấp UAV "sát thủ trên không"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga phát triển UAV tự sát Lancet phiên bản mới, giúp máy bay không người lái này có khả năng hoạt động theo nhóm nhằm tấn công mục tiêu theo cơ chế bầy đàn.

Nga nâng cấp UAV sát thủ trên không  - 1

Một chiếc UAV tự sát Lancet của Nga (Ảnh: Tass).

Truyền thông Nga đưa tin, Alexander Zakharov, quan chức cấp cao của tập đoàn ZALA Aero, cho biết, Nga đang phát triển biến thể mới của UAV "sát thủ không chiến" Lancet mang tên "Product-53".

Phiên bản mới có thể được phóng từ xa và có khả năng liên lạc với các UAV khác, nhằm tấn công dồn dập theo cơ chế bầy đàn vào mục tiêu đối phương. Khi một UAV trong nhóm phát hiện ra mục tiêu, nó nhanh chóng kết nối với các máy bay không người lái khác để thực hiện nhiệm vụ. 

Cơ chế tấn công bầy đàn là khi một số lượng lớn UAV cùng lao vào một mục tiêu cụ thể. Mục đích của cơ chế nhằm làm rối loạn hệ thống phòng không đối phương nhằm tìm ra lỗ hổng để xuyên qua, đồng thời gây ra sức công phá lớn nhất với những mục tiêu có giá trị.

Theo ông Zakharov, Nga tiếp tục sản xuất Lancet với số lượng lớn. Trong phiên bản mới, nhà thầu ZALA Aero sẽ bổ sung tính năng để người vận hành chọn mục tiêu có giá trị cao cho UAV tấn công.

Sau bước này, UAV sẽ hoạt động hoàn toàn tự động, tự lựa chọn mục tiêu vũ khí hạng nặng, ví dụ như xe tăng, pháo để tập kích.

UAV "sát thủ" Nga tập kích, đánh nổ lựu pháo Mỹ ở Ukraine

Trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Lancet đã gây chú ý nhờ khả năng bay lảng vảng trên không trong nhiều giờ và tấn công mục tiêu với tốc độ cao.

Lancet có tốc độ ấn tượng vào khoảng 110km/h, khả năng mang theo đầu đạn nặng tới 3kg cùng với việc được tích hợp hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh. Lancet được nhận định là có thể gây ra thiệt hại lớn với các trang thiết bị quân sự của đối phương. UAV này có thể tấn công mục tiêu trong phạm vi 40km và có trọng lượng cất cánh tối đa 12kg (gồm cả thuốc nổ).

Lancet được trang bị một số hệ thống định vị mục tiêu dựa trên tọa độ, quang điện tử. UAV này có kênh liên lạc đặc biệt để truyền hình ảnh các mục tiêu và xác nhận việc phá hủy chúng thành công.

Ngoài ra, vật liệu và lớp sơn của UAV Lancet còn giúp loại vũ khí hiện đại này miễn nhiễm với các loại vũ khí đánh chặn bằng tia laser. Quân đội Nga cũng khẳng định UAV Lancet có thể được cải tiến để trở thành những hệ thống "mìn trên không" nhằm vào các máy bay không người lái của quân đội Ukraine.

Kể từ khi được triển khai đến Ukraine, Lancet đã phá hủy nhiều mục tiêu quân sự của đối phương, trong đó có các hệ thống vũ khí hiện đại do phương Tây viện trợ cho Kiev.

Theo nhà sản xuất, Lancet có nhiều lợi thế so với các vũ khí khác. Thứ nhất, nó hoạt động theo cơ chế "bay lảng vảng", tức là luôn được triển khai trên không và sẵn sàng tấn công mục tiêu bất cứ lúc nào, kể cả mục tiêu di động như HIMARS. Điều này giúp tiết kiệm thời gian trong một cuộc chiến thực sự.

Thứ 2, nó khá nhỏ, nhẹ nên nó gần như "tàng hình" trước radar phòng không truyền thống. Thứ 3, giá thành của nó khá rẻ nếu so với các loại đạn tấn công chính xác cao truyền thống.

Theo Republic World
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm