1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga lý giải nguyên nhân chưa khóa van đường ống khí đốt sang châu Âu

Đức Hoàng

(Dân trí) - Điện Kremlin giải thích nguyên nhân Nga vẫn tiếp tục cho phép khí đốt chảy sang châu Âu, dù Moscow đã đưa ra hạn chót là 1/4 để bên mua khí đốt phải trả bằng đồng rúp hoặc bị đóng băng hợp đồng.

Nga lý giải nguyên nhân chưa khóa van đường ống khí đốt sang châu Âu - 1

Mỏ khí đốt mỏ Bovanenkovo tại Yamal, Nga (Ảnh minh họa: Reuters).

Ngày 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố "tối hậu thư" về năng lượng đối với các quốc gia "không thân thiện" muốn mua khí đốt Nga. Theo đó, ông Putin cho biết, từ ngày 1/4, những nước trên sẽ phải thanh toán bằng rúp, nếu không sẽ bị đóng băng hợp đồng.

Tuyên bố của ông Putin đã khiến châu Âu "chấn động" khi hàng loạt nước phát đi cảnh báo về nguy cơ bị cắt nguồn cung khí đốt. Đây được xem là động thái đáp trả mạnh nhất của Nga với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đức, quốc gia phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga, bác bỏ "tối hậu thư" của ông Putin, cáo buộc đây là hành động "tống tiền".

Tuy nhiên, theo Reuters, các đường ống khí đốt chảy sang châu Âu vẫn hoạt động bình thường trong ngày 1/4. Giải thích về việc này, phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov cho biết, lệnh mà ông Putin ký hôm qua không ảnh hưởng tới việc chuyển lượng khí đốt mà các khách hàng đã thanh toán trước đó. Ông Peskov cho hay, lệnh này sẽ có hiệu lực khi các khoản thanh toán mới tới hạn vào khoảng nửa sau của tháng 4.

Chính vì vậy, dù các nước mua khí đốt Nga chưa xác nhận việc sẽ trả bằng đồng rúp dù hạn 1/4 đã tới như theo sắc lệnh, Moscow vẫn chưa bị khóa van khí đốt.

Châu Âu nhập khoảng 40% khí tự nhiên từ Nga, thông qua hệ thống đường ống chạy qua Belarus, Ukraine, Ba Lan và Biển Baltic. Đức là khách hàng nhập lượng lớn khí đốt để phục vụ ngành sản xuất công nghiệp của nước này.

Việc Đức mất phần lớn nguồn cung từ năng lượng Nga có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào khủng hoảng và có thể kéo theo kịch bản khủng hoảng trên toàn khu vực. Giá khí đốt tăng trong thời gian qua đã khiến những ngành công nghiệp sử dụng nhiều nguồn năng lượng này trở nên thua lỗ và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân.

Ông Peskov cho biết, tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga Gazprom sẽ làm việc với các khách hàng để thực hiện sắc lệnh từ ông Putin và Nga sẽ không đột ngột cắt khí đốt sang châu Âu.

Ngoài ra, người phát ngôn Điện Kremlin cũng nói rằng, sắc lệnh này "có thể bị đảo ngược" đi kèm một số điều kiện, song không nêu rõ chi tiết về những điều kiện này.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine