1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga đổi chiến thuật mới khi Ukraine tìm cách chọc thủng phòng tuyến

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định Nga dường như đã và đang có sự thay đổi về chiến thuật phòng thủ để ứng phó với việc Ukraine không ngừng tìm cách xuyên phá phòng tuyến của Moscow.

Nga đổi chiến thuật mới khi Ukraine tìm cách chọc thủng phòng tuyến - 1

Một tổ hợp pháo của Nga khai hỏa (Ảnh: Sputnik).

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định, Nga đang có những điều chỉnh về mặt chiến thuật sau khi Ukraine đạt được đà tiến ở một số khu vực.

Theo ISW, Nga dường như đã thay đổi cách tiếp cận trong việc bố trí cơ sở chỉ huy chiến dịch quân sự đặc biệt.

Báo cáo viết: "Các lực lượng Nga được cho là đã thực hiện những thay đổi đáng chú ý đối với hệ thống chỉ huy và kiểm soát (C2) ở Ukraine để bảo vệ cơ sở hạ tầng chỉ huy và cải thiện việc chia sẻ thông tin trên tiền tuyến".

Theo phân tích của ISW, lực lượng Nga đã chuyển trụ sở chỉ huy ra khỏi tầm bao phủ của hầu hết các hệ thống tấn công của Ukraine. Ngoài ra, Nga dường như đặt các sở chỉ huy tiền phương sâu hơn dưới lòng đất và phía sau các vị trí được phòng thủ nghiêm ngặt.

Các chuyên gia của ISW nhận định, Nga đã cải thiện hoạt động liên lạc giữa các sở chỉ huy và các đơn vị ở mặt trận bằng cách đặt dây cáp thông tin dã chiến và sử dụng liên lạc vô tuyến an toàn hơn.

Trước đó, ISW cho biết, với hoạt động liên lạc ở cấp tiểu đoàn trở xuống, binh sĩ Nga sử dụng thiết bị không được mã hóa thông tin, dẫn tới việc họ thường trao đổi các tin tức nhạy cảm thông qua các kênh không an toàn. Điều này gây ra rủi ro lớn trên chiến trường.

Ngoài ra, ISW nhận định Nga đang đối mặt với vấn đề về đạn pháo.

"Những hạn chế về pháo binh ở Ukraine được cho là đang thúc đẩy quân đội Nga tăng tốc những nỗ lực lâu dài nhằm thực hiện học thuyết hỏa lực ưu tiên độ chính xác hơn số lượng", ISW viết.

Theo các chuyên gia, Nga đang hướng tới việc thay đổi chiến thuật sử dụng pháo, thay vì áp đảo bằng cách phóng hỏa lực ồ ạt để chuyển dần sang tấn công vào mục tiêu chính xác.

Phương Tây nhận định, động thái này của Nga dường như nhằm đối phó với việc Moscow đã sụt giảm lượng vũ khí sau gần 2 năm chiến sự. Ngoài ra, việc sử dụng lượng đạn pháo lớn cũng đòi hỏi các nỗ lực hậu cần, vận tải phức tạp và có nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của phía Ukraine.

Trong bối cảnh chiến sự với Ukraine chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại và Kiev tuyên bố sẽ tiếp tục phản công trong thời gian tới, việc Nga đổi chiến thuật sử dụng đạn pháo trong cuộc chiến có tính chất tiêu hao là điều dễ hiểu. 

Reuters ngày 8/9 dẫn nguồn tin từ một quan chức phương Tây ẩn danh dự đoán, Nga có thể tăng sản lượng đạn pháo trong vài năm tới lên khoảng 2 triệu quả đạn mỗi năm, gấp đôi so với kỳ vọng trước đây của phương Tây.

Tuy nhiên, theo quan chức này, con số 2 triệu nói trên dường như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của Nga trong chiến dịch quân sự.

Nguồn tin trên nói rằng, trong năm ngoái, Nga có thể đã bắn ra 10-11 triệu quả đạn pháo kể từ khi chiến sự với Ukraine bùng phát. Vì vậy, phương Tây nhận định dù Nga dồn lực tăng sản xuất cũng sẽ khó bù đắp được số lượng họ đã sử dụng.

Nga đang tăng cường sản xuất đạn dẫn đường bằng laser Krasnopol và UAV tấn công chính xác Lancet nhằm nỗ lực thay đổi chiến thuật tấn công trong tương lai.

Theo Ukrinform
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine