1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga đặt cược vào "vũ khí" đặc biệt trong chiến sự ở Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định, chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đang coi thời gian là "vũ khí" hiệu quả trong cuộc chiến kéo dài gần 5 tháng qua với nước láng giềng Ukraine.

Nga đặt cược vào vũ khí đặc biệt trong chiến sự ở Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP).

Theo Reuters, Nga đang đặt cược vào một "vũ khí" mà giới quan sát cho rằng nó có thể mạnh hơn bất cứ tên lửa nào mà phương Tây viện trợ cho Ukraine: Thời gian.

Sau nhiều tháng phát động chiến sự, Nga giờ đây được cho là kỳ vọng quyết tâm chiến lược của phương Tây sẽ lung lay do cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực mà cuộc chiến đã góp phần châm ngòi.

Nga nhiều lần nhận định, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào họ vì mở chiến dịch quân sự đang tạo ra hiệu ứng ngược, khiến cả Mỹ và châu Âu đều gặp khó khăn. Giá năng lượng tăng vọt trong những tháng qua, đẩy lạm phát ở một số quốc gia phương Tây lên cao.

Sau nhiều tháng gửi vũ khí cho Ukraine, nhiều nước cũng đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt khí tài dự trữ và thừa nhận không thể viện trợ thêm cho Kiev.

Ông Putin gần đây tuyên bố rằng, chiến sự ở Ukraine chỉ mới ở "giai đoạn bắt đầu" và khẳng định rằng các nỗ lực của phương Tây trong việc đánh bại Nga sẽ "thất bại".

"Ông Putin đặt cược rằng ông sẽ thành công trong một cuộc chiến tiêu hao dài lâu", Giám đốc CIA William Burns nhận định, cho rằng mục tiêu của Nga là làm suy yếu kinh tế Ukraine cũng như vị thế của phương Tây.

Trước các đòn trừng phạt của phương Tây và nỗ lực viện trợ vũ khí dồn dập, Nga vẫn khẳng định họ sẽ đạt được mọi mục tiêu đã đặt ra ở Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov giữa tuần qua tuyên bố mục tiêu chiến dịch quân sự của nước này hiện đã vượt ra ngoài Donbass và hướng tới phần lãnh thổ ở Nam Ukraine.

Ông Lavrov cảnh báo, nếu phương Tây tiếp tục đưa vũ khí tầm xa tới Ukraine, mục tiêu của Nga sẽ vươn xa hơn.

Vladislav Zubok, giáo sư lịch sử quốc tế tại Trường Kinh tế London, Anh cho biết: "Thông điệp mà ông Lavrov muốn gửi tới phương Tây là: Chiến sự càng kéo dài, Nga sẽ càng kiểm soát nhiều hơn".

Giờ đây, giới chuyên gia bắt đầu dự đoán kịch bản kế tiếp của cuộc chiến đã kéo dài gần 5 tháng. Barry R. Posen, Giáo sư Khoa học Chính trị Quốc tế tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận định: "Dự đoán của tôi là chiến sự sẽ tạm dừng lại với sự bế tắc, có lẽ là bằng một hiệp định đình chiến".

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1999, Tổng thống Putin đã nhiều lần chỉ trích Mỹ và phương Tây vì nỗ lực mở rộng NATO về phía đông, tác động tới các nước Liên Xô cũ như Ukraine và Gruzia - các quốc gia mà Nga coi là nằm trong vùng ảnh hưởng chiến lược của Moscow.

Ông Putin cho rằng những động thái như vậy là nhằm cố tình làm suy yếu nước Nga. Ông đã liệt kê ra nhiều lý do để mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng theo Reuters, Nga dường như đang coi đây là cuộc chiến với phương Tây mà kết quả của nó sẽ định hình lại trật tự chính trị toàn cầu.

Với việc Nga vẫn đang xuất khẩu dầu, khí đốt sang các đối tác thân thiện, và họ đang nắm giữ những mặt hàng thiết yếu như năng lượng, lương thực, nguyên liệu thô, Moscow dường như tin rằng, họ có thể chịu đựng được tác động của lệnh trừng phạt tốt hơn là phương Tây - bên đang chịu tác động ngược của lệnh cấm vận Nga.

Vì vậy, cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây tới lúc này có thể sẽ là cuộc đấu xem bên nào có thể duy trì sự kiên định chiến lược lâu hơn.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm