Mỹ từ chối chuyển tên lửa tầm bắn 300km cho Ukraine vì lo Thế chiến III
(Dân trí) - Quan chức cấp cao Mỹ tuyên bố nước này sẽ không chuyển tên lửa tầm tấn công 300km sử dụng trên hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS cho Ukraine vì lo ngại xung đột leo thang.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen tại Colorado, Mỹ hôm 22/7, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhận định Nga đang đối mặt với một số thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu mà họ đề ra khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo ông Sullivan, sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và vũ khí mà phương Tây chuyển cho Kiev là 2 trong nhiều yếu tố đã kìm chân được Nga hoàn thành kế hoạch quân sự.
Tuy nhiên, ông Sullivan bác bỏ việc sẽ chuyển tên lửa ATACMS với tầm tấn công 300km vì lo ngại rằng nó có thể làm leo thang cuộc xung đột và đẩy Mỹ tới Thế chiến III.
Trước đó, Ukraine đã nhận được các hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS, nhưng các rocket mà Mỹ gửi kèm có tầm tấn công khoảng 70-80km. Nếu Ukraine được chuyển giao tên lửa có tầm bắn xa hơn là MGM-140 ATACMS họ có thể tấn công vượt phòng tuyến của Nga, cũng như lùi tổ hợp HIMARS về sâu so với tiền tuyến để tránh nguy cơ bị Nga phản đòn.
Mặc dù vậy, Nga trước đó đã nhiều lần cảnh báo rằng nếu phương Tây cấp cho Ukraine vũ khí có thể tấn công vào lãnh thổ Nga, Moscow sẽ coi đó là hành động khiêu kích. Vì vậy, Mỹ vẫn đang duy trì chính sách thận trọng chiến lược khi đối phó với Nga - quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới.
Ông Sullivan hiểu Ukraine mong muốn được cấp thêm vũ khí và tốc độ chuyển nhanh hơn, nhưng ông tin rằng Mỹ đang cung cấp đầy đủ khí tài cho Kiev.
Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với Wall Street Journal rằng, số lượng HIMARS mà Mỹ chuyển cho Kiev là không đủ để thay đổi cục diện chiến sự một cách mạnh mẽ.
"HIMARS do phương Tây cấp cho Ukraine đang tạo ra những khác biệt trên chiến trường, nhưng số lượng đang ít hơn rất nhiều so với con số Ukraine cần để đảo ngược tình thế", ông Zelensky nói.
Nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh, Ukraine đang cần khẩn cấp các hệ thống phòng không.
Trước đó, Mỹ cho biết, họ đã chuyển cho Ukraine 12 hệ thống HIMARS và huấn luyện 200 quân nhân của Kiev vận hành các tổ hợp này.