Nga có thể sắp đưa UAV "khủng" nhất kho vũ khí tới Ukraine
(Dân trí) - Nga được cho sắp triển khai UAV Sirius nặng 2,5 tấn - lớn nhất trong kho vũ khí nước này - mang theo lượng lớn thuốc nổ để phá hủy mục tiêu mặt đất tại Ukraine.
Cựu lãnh đạo cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos Dimitri Rogozin, người đang làm cố vấn cho quân đội Moscow ở Donbass, cuối tuần qua tiết lộ, Nga sẽ sớm điều động máy bay không người lái (UAV) có thể trang bị vũ khí uy lực từ mìn cối 82-120mm đến bom FAB-100.
Dựa vào mô tả của ông Rogozin, Eurasian Times nhận định, loại vũ khí được nhắc đến dường như UAV Sirius, nặng 2,5 tấn, có thể mang 450kg vũ khí và bay liên tục 20 giờ ở độ cao 7.000m. Đây là UAV lớn nhất trong kho vũ khí Nga, theo Air Force Technology.
Dù tính năng chủ yếu là tấn công, Sirius cũng có thể được sử dụng để tuần tra, trinh sát trên tiền tuyến. Sirius được trang bị radar khẩu độ tổng hợp có thể lập bản đồ địa hình để giúp xác định tuyến đường bay cho tên lửa hành trình và đạn cối.
Nga bắt đầu sản xuất hàng loạt Sirius từ năm 2021 sau quá trình cho bay thử nghiệm. Sirius được trang bị thiết bị vệ tinh đầu cuối cho phép nó hoạt động ở tầm rất xa. Ngoài ra, nó cũng có bộ liên lạc giúp cho người điều khiển phía dưới kiểm soát vũ khí tốt hơn, đồng thời giúp việc hiệp đồng tác chiến với các máy bay khác trên tiền tuyến hiệu quả hơn. Theo Tass, Sirius đã được thử nghiệm chung với máy bay có người lái kể từ tháng 8/2022.
Theo dự đoán của giới chuyên gia, nếu Nga triển khai Sirius ở Ukraine, nó có thể sẽ được bắt cặp với các tiêm kích tuần tra chiếm ưu thế trên không Su-35S hoặc Su-30SM. Các tiêm kích có người lái của Nga sẽ đảm nhận nhiệm vụ bay trên cao, tạo ra lớp bọc lót để Sirius ở phía dưới thả bom và mìn. Su-35S và Su-30SM sẽ sử dụng các vũ khí như tên lửa chống radar (ARM) Kh-31, tên lửa không đối không tầm xa RVV-BD, tầm trung RVV-SD và tên lửa không đối không tầm ngắn RVV-MD, loại bỏ các mối đe dọa tiềm tàng với Sirius.
Thông thường, các tiêm kích trên sẽ có nhiệm vụ bọc lót cho các cường kích có người lái như Su-25 bay ở tầm trung và tầm thấp để oanh tạc mục tiêu mặt đất. Tuy nhiên, việc bọc lót như vậy vẫn ẩn chứa những rủi ro về nhân lực, nên cường kích Nga vẫn hạn chế đi vào khu vực có hệ thống phòng không tầm trung của Ukraine.
Sirius là máy bay không người lái nên nhược điểm về chiến thuật trên có thể được giải quyết. UAV hạng nặng này khi bay vào khu vực giao tranh có thể thu hút và tấn công hệ thống phòng không của đối phương. Mặt khác, việc kích hoạt phòng không nhằm vào UAV này sẽ gây ra rủi ro rất lớn cho Ukraine, vì các tiêm kích Su-35S và Su-30SM bay phía trên sẽ ngay lập tức kích hoạt tên lửa Kh-31.
Tass dẫn nguồn một tin từ một báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng Nga, cho biết, khi tham chiến chống lại các loại radar của quân đội Ukraine, Kh-31 đã đạt hiệu suất đánh trúng mục tiêu lên tới 98%. Kh-31PD được chế tạo để nhằm mục tiêu vào các radar kiểm soát hoạt động trên không, radar cảnh báo sớm và các hệ thống phòng thủ tầm trung và tầm xa. Dòng tên lửa này có thể được xem là khắc tinh của các hệ thống phòng không mà phương Tây viện trợ cho Ukraine.